Binh sĩ Ukraine điều khiển một máy bay không người lái (Ảnh minh họa: AFP).
Hà Lan đang tổ chức một cuộc tập trận NATO để thử nghiệm các hệ thống chống máy bay không người lái, kéo dài đến ngày 20/9 và có sự góp mặt của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Kiev tham gia cuộc tập trận trong lĩnh vực này với khối liên minh quân sự.
Hơn 450 người từ 19 quốc gia thành viên NATO và 3 quốc gia đối tác đã tham gia Cuộc tập trận tương tác kỹ thuật hệ thống máy bay không người lái hàng năm của NATO (C-UAS TIE).
NATO cho biết: "Hơn 60 hệ thống và công nghệ chống máy bay không người lái như cảm biến, UAV chống UAV, thiết bị gây nhiễu và thiết bị đánh chặn mạng đã được thử nghiệm trực tiếp".
Liên minh nói thêm rằng việc Ukraine trực tiếp tham gia cuộc tập trận là một phần trong Lộ trình hợp tác đổi mới NATO-Ukraine mà các bên đã thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, Mỹ vào tháng 7.
NATO cho hay: "Các cuộc tập trận như C-UAS TIE mang đến cơ hội duy nhất để cùng nhau giải quyết các thách thức cấp bách, đồng thời học hỏi kinh nghiệm chiến trường của Ukraine trong việc chống lại máy bay không người lái cỡ nhỏ".
Việc tích hợp các công nghệ chống máy bay không người lái vào hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp của NATO là điều cần thiết để tăng cường thế trận phòng vệ và răn đe của Liên minh.
Đây cũng là cơ hội để Ukraine tiếp cận công nghệ mới trong bối cảnh UAV đã trở thành một trong những vũ khí quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến với Nga.
Cho tới nay, cuộc đua UAV như "mèo vờn chuột" khi một bên sở hữu công nghệ mới, bên còn lại sẽ nhanh chóng tìm cách vô hiệu hóa. Việc sở hữu các công nghệ mới sẽ giúp Ukraine đối phó hiệu quả hơn.
Ukraine được đánh giá là bên phát huy chiến thuật tấn công bằng UAV trong cuộc xung đột trước Moscow, nhưng Nga đã nhanh chóng bắt kịp và trở nên áp đảo nhờ khả năng sản xuất quốc phòng vượt trội.
Năm nay, Nga đặt ra mục tiêu sản xuất 1,4 triệu UAV, tăng gấp 10 lần so với năm ngoái, nhằm mục tiêu chiếm ưu thế mạnh mẽ trên không.
Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt, thậm chí đưa điều này vào trong hiến pháp. Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022.
Trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và một số thành viên của liên minh đồng ý rằng một ngày nào đó Ukraine sẽ trở thành một phần của NATO, Kiev vẫn chưa được đưa ra một thời gian biểu cụ thể cho việc gia nhập. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bế tắc này là do cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa đến hồi kết.
Về phần mình, Nga cho rằng việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông và sự hợp tác quân sự của khối này với Ukraine là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột. Moscow coi NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và khẳng định Ukraine phải trở thành một quốc gia trung lập trong tương lai.
Theo UP
Nguồn: Báo điện tử Dân trí