Không quân Ukraine đã được Mỹ viện trợ bom dẫn đường chính xác JDAM-ER, lắp chúng lên tiêm kích MiG-29 và Su-27 với giá treo đặc biệt. Bom JDAM-ER được Ukraine sử dụng ít nhất từ tháng 3/2023.
Tuy nhiên, loại bom sử dụng hệ thống định vị GPS này là một trong nhiều vũ khí phương Tây chịu ảnh hưởng nặng từ hoạt động gây nhiễu của lực lượng tác chiến điện tử Nga.
Lầu Năm Góc ngày 3/5 thông báo không quân Mỹ đã ký với Hiệp hội Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học (SARA) hợp đồng trị giá hơn 23,5 triệu USD để mua đầu dò săn tổ hợp gây nhiễu GPS (HOJ) tích hợp vào bom JDAM-ER.
"Hợp đồng này liên quan đến thương vụ cung cấp vũ khí cho Ukraine", Lầu Năm Góc cho biết.
Bom JDAM-ER (màu xanh) dưới cánh tiêm kích MiG-29 của Ukraine. Ảnh: BQP Ukraine
Đầu dò HOJ được cho là có thể biến JDAM-ER từ loại vũ khí bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác chiến điện tử Nga thành khí tài săn lùng các tổ hợp gây nhiễu GPS.
Thông số kỹ thuật chi tiết của đầu dò HOJ chưa được công bố. SARA cho biết đã phát triển khả năng tích hợp đầu dò HOJ vào các loại vũ khí dẫn đường khác nhau trong nhiều năm.
"Nếu đối phương cố gắng dùng tín hiệu vô tuyến để gây nhiễu trên chiến trường, đầu dò HOJ có thể giúp bom hoặc tên lửa dẫn đường tấn công vào nguồn phát tín hiệu", theo thông cáo của SARA.
Cơ quan này cho hay HOJ có kích thước nhỏ gọn và chi phí sản xuất bằng 1/10 so với hệ thống tương tự đời trước, sử dụng đầu nối phổ thông để có thể nhanh chóng lắp lên vũ khí sẵn có.
Đầu dò săn tổ hợp gây nhiễu GPS HOJ trên bom GBU-39/B trong thử nghiệm tháng 12/2020 của không quân Mỹ. Ảnh: USAF
Đầu dò HOJ có thể tích hợp lên các loại vũ khí dẫn đường chính xác khác do phương Tây cung cấp cho Ukraine trong tương lai, trong đó có Tên lửa Tốc độ cao Chống radar (HARM) AGM-88.
Mẫu tên lửa này có khả năng nhắm mục tiêu tổ hợp gây nhiễu của đối phương, song chưa rõ có khả năng đối phó với hệ thống can thiệp vào tín hiệu GPS hay không.
Việc Mỹ cung cấp đầu dò HOJ cho Ukraine có thể cho phép nước này dùng bom JDAM-ER tấn công tổ hợp gây nhiễu GPS của Nga. Tuy nhiên, mẫu đầu dò này chưa từng thực chiến và không rõ hiệu quả của chúng đến đâu, cũng như lực lượng Nga sẽ mất bao lâu để đối phó.
Giới chức Mỹ thừa nhận nhiều loại vũ khí dẫn đường bằng GPS mà nước này viện trợ cho Ukraine giảm hiệu quả, thậm chí trở nên vô dụng vì bị Nga gây nhiễu. Trong số này có loại đạn phóng từ mặt đất được cải hoán từ vũ khí không đối đất, được cho là Bom Đường kính nhỏ Phóng từ mặt đất (GLSDB).
Daniel Patt, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hudson ở Mỹ, cho biết đạn pháo dẫn đường Excalibur dùng hệ thống định vị GPS mà Ukraine sử dụng ban đầu đạt tỷ lệ bắn trúng mục tiêu tới 70%, nhưng con số này giảm xuống 6% chỉ sau 6 tuần "vì lực lượng Nga điều chỉnh phương thức tác chiến điện tử để đối phó với nó".
Nguyễn Tiến (Theo TWZ, Reuters, AFP)