Hiện nay chỉ có ít quốc gia trên thế giới được cho là sở hữu vũ khí laser, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Israel. Theo các chuyên gia, việc Ukraine sở hữu vũ khí laser là khả thi, dù chưa thể xác minh.

1 Ukraine Tuyen Bo Da Phat Trien Vu Khi Laser Co The Ban Ha May Bay O Do Cao 2km

Ông Vadym Sukharevskyi - chỉ huy lực lượng máy bay không người lái thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine - Ảnh: AFP

Tại một hội nghị thượng đỉnh quốc phòng ở Kiev vào tuần này, ông Vadym Sukharevskyi - chỉ huy lực lượng máy bay không người lái thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine - thông báo: "Chúng tôi hiện đã có thể bắn hạ máy bay bằng vũ khí laser ở độ cao hơn 2km. Vũ khí này thực sự tồn tại và có hiệu quả".

Ông chia sẻ với Hãng tin Interfax-Ukraine rằng nước này đang nỗ lực để nâng cao phạm vi và năng lực của vũ khí. Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào về loại vũ khí này.

Vũ khí này được đặt tên là Tryzub, hay có nghĩa là "đinh ba" trong tiếng Ukraine, liên hệ với biểu tượng quốc gia của Ukraine tượng trưng cho độc lập, sức mạnh và sự thống nhất.

Các chuyên gia nhận định với Đài CNN rằng vũ khí laser của Ukraine có khả năng thực sự tồn tại.

Chuyên gia Patrick Senft từ Công ty tư vấn tình báo kỹ thuật Armament Research Services cho rằng mặc dù thông tin về Tryzub còn hạn chế nhưng "Ukraine hoàn toàn có thể phát triển một vũ khí năng lượng định hướng (DEW) có chức năng tiêu diệt một số mục tiêu trên không".

Điều này đặc biệt khả thi khi sử dụng laser thương mại có sẵn và kết hợp với các công nghệ sẵn có khác. Ông Senft cho biết Hệ thống vũ khí laser (LaWS) của Hải quân Mỹ đã hoạt động ở phạm vi tương đương kể từ năm 2014.

2 Ukraine Tuyen Bo Da Phat Trien Vu Khi Laser Co The Ban Ha May Bay O Do Cao 2km

Hệ thống vũ khí laser (LaWS) của Hải quân Mỹ - Ảnh: US NAVY

Ông Senft giải thích rằng DEW đặc biệt hiệu quả đối với máy bay không người lái bay thấp, chậm do Nga triển khai, vì những thiết bị này thường cấu tạo từ các linh kiện mỏng, dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt.

Các UAV như Shahed-136/Geran-2 có bay ở độ cao thấp và có kiểu bay ổn định, khiến chúng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tác động liên tục từ tia laser. Vũ khí laser có thể tập trung năng lượng vào một vị trí cụ thể để phá hủy các linh kiện quan trọng.

Ông Senft nói thêm rằng những vũ khí như vậy có 2 hạn chế chính: tốc độ di chuyển của mục tiêu và năng lượng laser giảm dần theo khoảng cách. Các mục tiêu di chuyển nhanh hơn hoặc có khả năng chịu nhiệt, như đạn pháo, tên lửa đạn đạo, khó vô hiệu hóa hơn nhiều và đòi hỏi một hệ thống tiên tiến hơn.

Chuyên gia Fabien Hoffmann từ Oslo Nuclear Project cho biết có nhiều thách thức kỹ thuật khi triển khai hệ thống laser hiệu quả để chống lại máy bay không người lái hoặc tên lửa.

“Những thách thức này bao gồm việc khắc phục các vấn đề liên quan đến cường độ chùm laser và làm mát hệ thống, sự hấp thụ và phản xạ laser trong khí quyển, chẳng hạn như do mây hoặc mưa.

Cùng với đó là hiện tượng gọi là "thermal blooming", xảy ra khi chùm laser làm nóng không khí xung quanh, khiến nó lan rộng, làm giảm sức mạnh và hiệu quả của laser trong việc phá hủy mục tiêu”, ông nói.

Ông Hoffman cho rằng cần xem cách vũ khí này hoạt động trên thực tế để đánh giá hiệu quả trong việc phòng thủ tên lửa.

Chỉ một vài quốc gia được cho là sở hữu vũ khí laser bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Israel.

Anh hiện cũng đang phát triển hệ thống vũ khí laser của riêng mình, được gọi là DragonFire, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2027.

Vào tháng 4, cựu bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết DragonFire có thể được sử dụng ở Ukraine để chống lại các UAV của Nga, theo Hãng tin Reuters.

THANH HIỀN

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC