Thủ tướng Hungary Viktor Orban - Ảnh: REUTERS
Ngày 1-7, Hungary chính thức đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) với nhiệm kỳ kéo dài đến hết ngày 31-12 năm nay.
Trong những ngày đầu tiên nhiệm kỳ chủ tịch của Hungary, ông Orban đã đến thăm Kiev, Matxcơva, Bắc Kinh và Washington để tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, sau đó gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida.
Chuyến đi tới Kiev là chuyến thăm đầu tiên của ông Orban kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, dù Hungary có biên giới với Ukraine.
Ông Orban gọi chuyến đi này là một sứ mệnh hòa bình và cố gắng tự mô tả mình là một trong số ít các nhà lãnh đạo EU và NATO có thể tổ chức các cuộc đàm phán hiệu quả tại Matxcơva và đàm phán với tất cả các bên.
Ngay lập tức, các thành viên khác của EU và các đồng minh NATO của Hungary đã chỉ trích gay gắt.
Tẩy chay một phần
Ủy ban châu Âu (EC) đang tẩy chay một phần nhiệm kỳ sáu tháng của Hungary, nhằm phản ứng với "sứ mệnh hòa bình" mà Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã khởi xướng.
Cụ thể, EC cho biết họ chỉ cử quan chức cấp cao tham dự các cuộc họp không chính thức, không có bất kỳ ủy viên nào trong số 27 ủy viên của EU - bao gồm Chủ tịch EC Ursula von der Leyen - tham dự.
EU ra quyết định ngày 15-7, theo sau một loạt quốc gia thành viên, nhiều trong số đó nằm gần biên giới Nga.
Tuần trước, Chính phủ Thụy Điển thông báo rằng Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan sẽ không cử bộ trưởng tham dự các cuộc họp chính phủ liên quan đến nhiệm kỳ chủ tịch EU của Hungary trong tháng 7, để phản đối các cuộc đàm phán của ông Orban với ông Putin tại Matxcơva.
Cũng trong ngày 15-7, Hungary đã chỉ trích cách phản ứng của EU, cho rằng mục đích của nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên là cho tất cả các thành viên có cơ hội lãnh đạo.
"EU là một tổ chức quốc tế được thành lập bởi các quốc gia thành viên. Ủy ban châu Âu là một cơ quan của EU", Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Hungary Janos Boka viết trên mạng xã hội. "Ủy ban châu Âu không thể chọn lựa các cơ quan và quốc gia thành viên mà họ muốn hợp tác. Tất cả các quyết định của ủy ban hiện nay có dựa trên cân nhắc chính trị không?".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu là gì?
Theo Đài DW của Đức, EU có ba cơ quan chính trị nền tảng. Trong đó Ủy ban châu Âu (EC) là cơ quan hành pháp, soạn thảo hầu hết các luật và giữ phần lớn quyền lực kỹ thuật. 27 ủy viên của ủy ban được bổ nhiệm, mặc dù phần nào dựa trên kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu.
Nghị viện châu Âu, với các thành viên được bầu từ tất cả các quốc gia thành viên, phải thông qua tất cả các đề xuất của ủy ban bằng cách bỏ phiếu đa số, và cũng có thể đề xuất các bước cho ủy ban xem xét.
Nhưng gần như mọi thứ mà EU làm cần sự phê chuẩn cuối cùng từ Hội đồng châu Âu. Hội đồng phải phê chuẩn gần như tất cả các chính sách của EU - nhất trí cho các vấn đề nhạy cảm nhất và bằng các quy trình bỏ phiếu đa số phức tạp khác - trước khi chính sách được thực thi.
Các nước châu Âu thay phiên giữ vai trò chủ tịch hội đồng mỗi sáu tháng/lần. Thời gian này gọi là nhiệm kỳ chủ tịch.
Nước nắm giữ cương vị chủ tịch vẫn phải chịu các rào cản về thực thi chính sách theo quy trình. Tuy nhiên nước này có thể phần nào định hướng chương trình nghị sự và quyết định những vấn đề nào được mổ xẻ (hoặc bị bỏ qua) trong nhiệm kỳ của mình.
MINH KHÔI
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online