Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ, vẫy tay tạm biệt khi cùng các thành viên khác trong đoàn công tác lên máy bay chuẩn bị rời khỏi Đài Loan vào ngày 3-8- Ảnh: Reuters
Đài Loan luôn là vấn đề "âm ỉ" chờ thời điểm bộc phát trong quan hệ Mỹ - Trung suốt nhiều thập niên qua. Washington luôn tuyên bố với Bắc Kinh rằng họ tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc", nhưng lại có những cam kết với hòn đảo này theo Đạo luật quan hệ với Đài Loan của Quốc hội Mỹ vào năm 1979 và "6 bảo đảm" dưới thời tổng thống Reagan vào năm 1982.
Hai bên cùng kiềm chế
Chuyến đi của bà Pelosi không phải chưa có tiền lệ, nhưng bà đi lâu hơn và xa hơn người tiền nhiệm Newt Gingrich khi ông này chỉ thăm Đài Loan vài giờ vào năm 1997. Ngoài ra, thời điểm chuyến thăm của bà Pelosi đặc biệt nhạy cảm khi ông Tập đang tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba cho chức vụ tổng bí thư tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra trong vài tháng tới.
Điều này gây áp lực lên giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải thể hiện sức mạnh trước làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang lên cao ở Trung Quốc. Không phản ứng mạnh mẽ thì không ổn, mà phản ứng thái quá thì hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới. Đây là điều cả hai đều không muốn khi cùng đang gặp vấn đề với nền kinh tế của mình, tăng trưởng giảm sút trong nhiều tháng qua.
Với sự phẫn nộ của Trung Quốc, dù tự nhiên hay cố tình, được đẩy lên đến mức đỉnh điểm như vậy, việc chính quyền Mỹ hoặc Trung Quốc lùi bước sẽ bị coi là sự mất mặt rất lớn. Do đó, một sự phô trương sức mạnh là cần thiết để tạo tính răn đe cho các hành động khác trong tương lai.
Phản ứng chuyến đi của bà Pelosi, Bắc Kinh đã công bố 4 ngày diễn tập quân sự bắn đạn thật ở các vùng biển quanh Đài Loan nhằm ngăn chặn tàu và máy bay đi qua những vùng biển và không phận rộng lớn quanh đảo. Tuy nhiên, mục đích của chúng chủ yếu nhằm cảnh báo sự tiến triển trong quan hệ Mỹ - Đài hơn là liên quan đến các kế hoạch quân sự thống nhất Đài Loan sắp xảy ra.
Trước đó, các quan chức hành pháp Mỹ đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về chuyến đi của bà Pelosi nhưng lưu ý chuyến thăm không báo hiệu sự thay đổi chính thức trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc hoặc Đài Loan.
Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo đe dọa nhiều lần của Bắc Kinh, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi không chỉ đơn giản để chọc giận Trung Quốc. Ý nghĩa của nó còn nằm ở chỗ Đài Loan vẫn còn quan trọng trong chính sách của Mỹ, và ngầm "răn đe ngoại giao" rằng Washington sẽ ra tay nếu Bắc Kinh có các hành động quân sự thống nhất Đài Loan trong tương lai, đi ngược lại với nguyên tắc của Mỹ.
Vai trò chất bán dẫn
Đài Loan không chỉ là lá bài để chính quyền Mỹ chứng minh độ khả tín trong các cam kết an ninh của họ, vùng lãnh thổ này còn có vai trò trọng yếu đối với ngành công nghiệp chất bán dẫn của thế giới.
Năm 2022, các công ty chip của Đài Loan thống trị thị trường chất bán dẫn thế giới với 66%, tăng 2% so với năm 2021. Nước đứng ngay sau Đài Loan là Hàn Quốc chỉ chiếm chưa tới 20%. Hiện nay Mỹ đang nỗ lực để cô lập Trung Quốc khỏi ngành sản xuất chip vi mạch tiên tiến, và Đài Loan chính là mắt xích quan trọng nhất để Mỹ có thể hiện thực hóa điều đó.
Tuần trước, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua dự luật "Chips và Khoa học" với trị giá tổng cộng 280 tỉ USD nhằm hỗ trợ ngành sản xuất chip bán dẫn trong nước và thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
Trong chuyến thăm, bà Pelosi đã gặp chủ tịch Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) Mark Liu để thảo luận về gói 52 tỉ USD trợ cấp cho các nhà máy sản xuất chip mới trên đất Mỹ.
TSMC cũng đang xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỉ USD để sản xuất chất bán dẫn siêu nhỏ 5-nanometer ở tiểu bang Arizona, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2024. Tuy nhiên, TSMC vẫn còn đang duy trì một số nhà máy tại Trung Quốc.
TSMC là nhà cung cấp vi mạch "thầm lặng" lớn nhất thế giới, chiếm 54% thị phần toàn cầu trong năm 2022. Các thành phần vi mạch do TSMC chế tạo và cung cấp cho những gã khổng lồ công nghệ như AMD, Nvidia, Intel, IBM và Apple là động lực cho sự tiến bộ của thế giới trong thời gian qua.
Do đó, không chỉ Đài Loan cần Mỹ như người bảo trợ an ninh mà Mỹ cũng cần các công ty chất bán dẫn của Đài Loan để giữ ưu thế trong cạnh tranh Mỹ - Trung.
Trước đó, vào năm 2020, chính quyền tổng thống Trump đã có những bước đầu tiên trong cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung khi đưa công ty sản xuất vi mạch lớn nhất của Trung Quốc là SMIC vào danh sách đen nhằm hạn chế quyền tiếp cận với công nghệ và máy móc cần thiết.
SMIC là công ty chế tạo chất bán dẫn lớn thứ 5 toàn cầu tính theo doanh thu vào năm 2020, chỉ đứng sau TSMC và UMC của Đài Loan, Samsung của Hàn Quốc và GlobalFoundries của Mỹ. Đây cũng là một đòn mạnh giáng vào tham vọng làm chủ công nghệ cốt lõi của Trung Quốc với kế hoạch "Made in China 2025".
Thế lưỡng nan của Đài Loan
Chuyến thăm của bà Pelosi không chỉ nhằm thách thức cảnh báo của Bắc Kinh, mà còn phục vụ mục tiêu lớn hơn của Mỹ là gắn kết mối quan hệ kinh tế và công nghệ chặt chẽ hơn với Đài Loan nhằm kiềm chế đối thủ chiến lược Trung Quốc.
Tuy nhiên, hòn đảo này cũng đang ở thế lưỡng nan khi vừa muốn duy trì nguyên trạng và xây dựng các mối quan hệ quốc tế nhưng cũng không muốn mâu thuẫn quá lớn với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online