Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan làm rõ một số vấn đề của đại biểu Quốc hội về tình trạng thực phẩm chức năng kém chất lượng được quảng cáo, bán tràn lan trên thị trường.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.
Phát biểu chất vấn tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV, chiều nay (11/11), đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) nêu hiện tượng nhiều y bác sĩ mặc áo blouse thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng và đặt câu hỏi điều này có đúng quy định không, nếu sai sẽ bị xử lý ra sao.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay, quảng cáo thuốc có đầy đủ quy định pháp luật liên quan. Trong Luật Quảng cáo đang sửa quy định rõ sử dụng hình ảnh bác sĩ, y sĩ, cơ sở y tế là không được phép. Bên cạnh đó, quy định Luật Hình sự quy định xử lý hình sự liên quan pháp luật quảng cáo.
Đại biểu Khang Thị Mào phát biểu chất vấn chiều nay.
Cùng quan tâm đến lĩnh vực quản lý thực phẩm chức năng, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) dẫn lại báo cáo số 1467, Bộ Y tế đánh giá hệ thống pháp luật quản lý về thực phẩm chức năng tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng về thực phẩm chức năng tràn lan trên thị trường với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí chứa chất cấm khiến cử tri lo lắng, bức xúc.
Với thực trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ lỗ hổng và đưa ra các giải pháp căn cơ. Ngoài ra, để chủ động nâng cao năng lực của ngành y tế trong phòng, chống dịch sau thiên tai, Bộ trưởng tính đến việc đề xuất Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho y tế cơ sở như thế nào.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng tương đối hoàn thiện như Luật An toàn thực phẩm, Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định, thông tư, quy chuẩn liên quan đến thực phẩm chức năng…, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành hàng này. Thực tế, sản phẩm thực phẩm chức năng của Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia, khẳng định chất lượng và uy tín.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành quy định bắt buộc các nhà máy sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn thực hành tốt. Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.
Tuy nhiên, lợi nhuận cao từ việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng giả khiến tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để quảng cáo phóng đại công dụng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người dân. Đặc biệt, tình trạng buôn lậu thực phẩm chức năng giả qua biên giới cũng là một thách thức lớn.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tra cứu các mặt hàng sản xuất đúng theo quy định. Đồng thời, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo.
Còn với những người vi phạm, Bộ Y tế cũng có cảnh báo như gửi công văn đến đến các bộ ngành liên quan để kịp thời xử lý. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay quảng cáo trên các trang mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý.
Do đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các doanh nghiệp vi phạm cần được xử lý nghiêm khắc để làm gương như biện pháp cấm xuất cảnh.
Hà Cường
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN