Ngoại trưởng Motegi và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nhất trí sẽ tiến hành các cuộc thảo luận để nối lại việc đi lại cho những nhân lực thiết yếu của hai nước.

Nhật Bản cho biết trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi đã đánh giá cao công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại Việt Nam, đồng thời cảm ơn việc Chính phủ và người dân Việt Nam hỗ trợ khẩu trang y tế cho Nhật Bản.

Hai bên cùng cho rằng, việc phục hồi nền kinh tế cũng là vấn đề rất quan trọng bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, do đó đã nhất trí cùng nhau hợp tác trong thời gian tới.

42 1 Viet Nam  Nhat Ban Nhat Tri Thao Luan Khoi Phuc Di Lai Giua 2 Nuoc

Thực tập sinh Việt đang nỗ lực học tập để chờ ngày được bay sang Nhật

Trước đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhận định rằng tình hình lây nhiễm dịch Covid-19 trên thế giới, trong đó chủ yếu là tại các nước đang phát triển và các nước mới nổi, vẫn đang lan rộng, do đó Chính phủ Nhật Bản vẫn cần tiếp tục duy trì tình trạng cảnh giác với việc nhập cảnh vào nước này.

Tuy nhiên, ông Suga cũng cho rằng việc thảo luận xem xét nối lại việc đi lại giữa người dân các nước cũng quan trọng. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ theo dõi diễn biến dịch bệnh trên thế giới và xem xét một cách thận trọng vấn đề nới lỏng nhập cảnh với những đối tượng cụ thể của từng quốc gia và các thủ tục liên quan tới vấn đề này.

Truyền thông Nhật Bản mới đây đã thông tin về việc Chính phủ Nhật Bản có khả năng đưa Việt Nam vào danh sách 4 nước được nới lỏng hạn chế nhập cảnh vào Nhật Bản trong giai đoạn đầu tiên cùng với Thái Lan, Australia và New Zealand. Theo kịch bản mà Nhật Bản tính toán, đối tượng là doanh nhân sẽ được ưu tiên nhập cảnh trong giai đoạn đầu tiên.

Trước khi xuất cảnh, những người này phải có giấy xác nhận xét nghiệm PCR âm tính, sau đó nếu tiếp tục âm tính trong cuộc kiểm tra sau khi tới sân bay Nhật Bản sẽ được phép nhập cảnh vào nước này. Dự kiến, cuối tháng 6-2020, Chính phủ Nhật Bản sẽ thông tin cụ thể về vấn đề này.

Nguồn: Nld.com.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC