Nhiều thành phố lớn triệt để hạn chế đi lại. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đánh giá cao biện pháp cách ly của Trung Quốc.
Lấy mẫu xét nghiệm tìm virus corona trong vùng Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 04/02/2020. STR / AFP
Nạn dịch lan sang các tỉnh - thành phía đông Trung Quốc buộc nhiều đô thị ở tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) phải áp dụng biện pháp hạn chế di chuyển từ ngày 04/02, đối với 18 triệu người ở ba thành phố Thai Châu (Taizhou), Ôn Châu (Wenzhou), Ninh Ba (Ningbo). Trước đó thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) đã hạn chế đi lại đối với 3 triệu dân ở ba quận, nơi có trụ sở của tập đoàn Alibaba.
Bệnh viện dã chiến đầu tiên có 1.000 giường ở thành phố Vũ Hán đã đi vào hoạt động từ ngày 03/02 và do quân đội quản lý. Ngoài ra, một trung tâm văn hóa, một trung tâm triển lãm và một nhà thi đấu thể thao cũng được thành phố trưng dụng để lập thêm 3.400 giường bệnh. Theo báo chí Nhà nước, trong trường hợp khẩn cấp, 8 tòa nhà cao tầng cũng sẽ được biến thành bệnh viện dã chiến.
Theo AFP, các biện pháp cách ly, hạn chế đi lại khắt khe của Trung Quốc được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) đánh giá hôm 04/02 là « một lối thoát » và « chúng ta không được bỏ qua lối thoát này ». Về số người chết và số bệnh nhân được xác định nhiễm virus corona mới tăng mỗi ngày, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, trấn an « điều đó không có nghĩa là tình hình sẽ trầm trọng thêm ». Ngoài ra, ông cũng lên án một số nước giầu có « chậm trễ » trong việc chia sẻ thông tin về nạn dịch, đồng thời ông kêu gọi quốc tế thể hiện thêm tình liên đới.
Một công dân Cameroun, sống ở tỉnh Hồ Bắc, được xác định nhiễm virus corona và nhập viện ở thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou). Theo Sputnik ngày 04/02, Pavel Daryl Kem Senou, 21 tuổi là sinh viên trường Đại học Dương Tử, từng đến thành phố Vũ Hán, trở thành công dân Cameroun đầu tiên bị nhiễm virus này. Hiện có khoảng 300 người Cameroun sống ở Vũ Hán, họ kêu gọi chính quyền Yaoundé hỗ trợ nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Nguồn: Thu Hằng/ RFI