Chân dung chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên đường phố Thượng Hải, ngày 10/02/2020. REUTERS/Aly Song
Che đậy sự thật về mức độ lây lan, về những thiếu sót cơ bản nhất trong hệ thống y tế, đồng thời đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền về những tấm lòng quả cảm của muôn dân trước con virus corona, những nỗ lực của Nhà nước sát cánh với toàn dân : Đó là chủ trương mới của bộ máy tuyên truyền Trung Quốc. Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã bước lên tuyến đầu trên mặt trận này.
Trong cuộc họp với Bộ Chính Trị hôm 03/02/2020 nguyên thủ Trung Quốc ra lệnh "cần tăng cường kiểm soát thông tin trên các phương tiện truyền thông và internet".
Phát biểu này đã không được giữ lại trong bản dịch sang Anh Ngữ của Tân Hoa Xã. Tuy nhiên báo chí chính thức tại Bắc Kinh đưa tin ông Tập chỉ thị với các cấp là đã tới lúc cần "đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền, tăng cường vế giáo dục, kiểm soát công luận trên cơ sở tất cả những trao đổi qua internet và trong cuộc sống hàng ngày". Cỗ máy tuyên truyền của Đảng và Nhà nước cũng cần "củng cố niềm tin, kích động bầu nhiệt huyết của toàn dân, phải tuyên truyền những câu chuyện khiến mọi người động lòng"
Chưa đầy một ngày sau cuộc họp đó, ngay cả tạp chí Tài Tân (Caixin), nổi tiếng là độc lập với guồng máy thông tin của Trung Quốc đã "đổi giọng".
Cho đến cuối tuần qua, về dịch virus corona, tờ báo kinh tế rất có uy tín này tại Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh đến "tầm mức quan trọng của việc đưa tin một cách minh bạch và trung thực, đầy đủ và nhanh chóng, tránh những thiếu sót do cố tình gây nên, tránh im lặng trên một số chủ đề". Cũng tờ báo này cho rằng "quyền được biết thông tin của các công dân Trung Quốc phải được tôn trọng".
Thế nhưng sau cuộc họp của Bộ Chính Trị thì tờ báo "cứng đầu" này đã đi vào khuôn phép khi đưa lên mặt báo gương mặt của một bác tài xế tắc xi ở Vũ Hán miệt mài chạy những cuốc xe để phục vụ đồng bào, ông đã "bước lên tuyến đầu" chống virus corona. Bên cạnh đó là phóng sự đầy đủ chi tiết bệnh viện dã chiến đầu tiên khai trương sau 10 ngày công trình được khởi động, rồi đưa tin chính phủ có những biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn sa sút vì dịch bệnh ...
Còn những bài báo nói về tình trạng thiếu trang thiết bị y tế cũng được đăng trên tờ Tài Tân thì đã "mất hút". Nhân Dân Nhật Báo trong ấn bản ngày 04/02/2020 cũng tràn ngập những bài viết ca ngợi "những tấm lòng" của người dân Vũ Hán.
Trên internet, cỗ máy kiểm duyệt của Trung Quốc cũng đã tăng tốc. Trên mạng xã hội WeChat, tin nhắn báo động "cẩn thận khi đưa thông tin về dịch virus corona kẻo bị phạt" đã biến mất khỏi các màn hình. Cũng trên mạng WeChat, một người sử dụng cho biết "đã có rất nhiều những bài báo về virus corona vị rút đi, làn sóng hoảng loạn giờ mới thực sự bắt đầu" và thế là tài khoản của người này đã bị khóa ngay lập tức.
Cỗ máy tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc hành xử như thể chỉ cần xóa những thông tin về virus corona, đóng tài khoản nói về loại siêu vi chủng mới đó là đủ để che giấu sự thật bẽ bàng : Một con virus nhỏ đang thách thức khả năng "đề kháng" của Đảng và chế độ cầm quyền của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Dường như Trung Quốc không rút kinh nghiệm những lần có dịch bệnh trước đây, tiếp tục duy trì "phản xạ" che giấu, bưng bít thông tin, gây ra những hậu quả nghiêm trọng : Chính vì kiểm duyệt mà Bắc Kinh đã đánh mất tối thiểu là ba tuần lễ trong cuộc chạy đua với thời gian để ngăn chận virus corona. Đầu tháng Giêng, tám vị bác sĩ ở Vũ Hán đã bị bắt vì tội "phổ biến thông tin thất thiệt làm xáo trộn trật tự xã hội" chỉ vì phát hiện thấy virus lạ, để rồi sau đó, chính tư pháp Trung Quốc lại miễn tội cho họ.
Liệu rằng bài thuốc "kiểm duyệt thông tin" của ông Tập Cận Bình là một hiểm họa đối với cho "Giấc Mộng Trung Hoa", với mục đích xây dựng một "Xã Hội Hoài Hòa" mà chính ông đang dày công xây dựng ?
Chỉ nội hình ảnh các nước bất luận giàu nghèo huy động máy bay đến Vũ Hán, đưa công dân của họ ra khỏi "ổ dịch" trong lúc những dân ở Vũ Hán, ở Hồ Bắc bị đồng bào của mình hắt hủi cũng đủ cho thấy, chính sách kiểm duyệt, che giấu thông tin – liều thuốc chống dịch bệnh của Tập Cận Bình – đã thất bại.
Thanh Hà - RFI