Một tàu chở hàng tại cảng Hamburg ở Đức. Ảnh: Reuters
Dẫn dữ liệu từ cơ quan thống kê Eurostat, đài Sputnik đưa tin Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong năm ngoái, với hơn 710 tỷ USD giá trị hàng hóa trao đổi.
“Trong năm 2020, Trung Quốc là đối tác chính của EU. Đây là kết quả sau khi cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều tăng, lần lượt là 2,2% và 5,6%. Trong khi đó, hoạt động thương mại với Mỹ ở cả hai mảng xuất khẩu và nhập khẩu đều chứng kiến tỷ lệ giảm đáng kể, với -8,2% và -13,2%”, Euro công bố một báo cáo ngày 16/2. Dữ liệu này không bao gồm hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và Anh.
Nick Marro, trưởng nhóm thương mại toàn cầu tại doanh nghiệp Economist Intelligence Unit, giải thích nhu cầu đối với mặt hàng xa xỉ trong nền kinh tế Trung Quốc, vốn đóng cửa và mở cửa trở lại sớm hơn nhiều so với các nước khác trong đại dịch COVID-19, đã giúp duy trì hoạt động xuất khẩu hàng hóa của châu Âu. Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể chỉ là tạm thời.
Trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Marro cho hay: “Sự mở rộng trong tổng khối lượng thương mại giữa EU và Trung Quốc đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhập khẩu của EU từ Trung Quốc vào năm 2020, chứ không phải hoạt động xuất khẩu của châu Âu được hưởng lợi mạnh mẽ từ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Do đó, cấu trúc tổng thể của các mối quan hệ thương mại của EU ít nhiều vẫn không thay đổi và tầm quan trọng của Mỹ với tư cách là một đối tác thương mại không hề giảm đi. Chúng ta có thể chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ hơn trong các luồng giao thương xuyên Đại Tây Dương khi đại dịch được kiểm soát ở cả hai thị trường”.
Tuy nhiên, với Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) mà EU và Trung Quốc ký kết vào tháng 12/2020 sau nhiều năm đàm phán, nhận định trên của ông Marro có phần bị hoài nghi. Hiệp định này sẽ xóa bỏ những rào cản mà các công ty EU đang phải đối mặt khi đầu tư vào Trung Quốc lục địa, mở ra cánh cửa cho các ngành điện tử và công nghệ tự động.
Hiện tại, sự bùng nổ thương mại giữa EU và Trung Quốc đã tạo ra một hiệu ứng bất ngờ khi thị trưởng vận tải tăng trưởng đáng kể. Theo tạp chí Financial Times, chi phí vận tải đã tăng gấp 4 lần kể từ tháng 10/2020 do sự thiếu hụt container vận chuyển vì các tàu chở hàng ngừng hoạt động tại các cảng châu Âu và Mỹ. Ngay cả khi các bên có đặt hàng container mới, hiện tượng tăng chi phí vận tải có thể sẽ kéo dài sang năm 2021 do lượng hàng tồn đọng.
Vào những tháng cuối năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc đã phá vỡ các kỷ lục xuất khẩu trước đó khi trở thành “công xưởng” sản xuất thiết bị y tế toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với năm 2021, các nhà kinh tế đã đặt ra các mục tiêu lớn. Fitch Ratings dự đoán mức tăng trưởng kinh tế khổng lồ trong năm nay cho Trung Quốc đạt 8%.
Trong khi đó, một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Anh, dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028.
Nguồn: TTXVN