Trong nội dung đăng tải trên mạng Twitter, Tổng giám đốc Ghebreyesus lưu ý:
“Đã có một số trường hợp đáng lo ngại lây nhiễm 2019-nCoV từ những người chưa bao giờ đến Trung Quốc. Việc chỉ phát hiện một số ít trường hợp như vậy cho thấy có thể có sự lây nhiễm rộng hơn ở các nước khác ngoài Trung Quốc. Tóm lại, có thể chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm”.
Theo ông Ghebreyesus, hiện sự lây nhiễm nCoV ở ngoài Trung Quốc dường như ở mức độ chậm, nhưng có thể sẽ tăng tốc.
Ông nhấn mạnh: “Ngăn chặn dịch vẫn là mục tiêu của chúng ta, song tất cả các nước phải tận dụng những cơ hội được tạo ra từ chiến lược ngăn chặn để chuẩn bị đối phó với khả năng virus xâm nhập”.
Nhận định trên của người đứng đầu WHO được đưa ra trong bối cảnh các thành viên phái đoàn chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu đến Bắc Kinh ngày 10-2 để hỗ trợ ứng phó với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến sáng 10-2, tại Trung Quốc đại lục đã có 40.171 ca nhiễm nCoV và 908 trường hợp tử vong. Bên ngoài Trung Quốc đại lục đã ghi nhận hơn 350 trường hợp nhiễm chủng virus này ở gần 30 nước và vùng lãnh thổ và có 2 trường hợp tử vong, trong đó một trường hợp ở Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và một trường hợp ở Philippines.
Thêm một bệnh nhân hồi phục nhờ thuốc chữa HIV
Thứ trưởng Y tế Malaysia Lee Boon Chye ngày 9-2 thông báo bệnh nhân thứ tư mắc viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại nước này đã bình phục sau khi được điều trị bằng Kaletra – một loại thuốc điều trị Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Trước đó, các bác sĩ ở Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc cũng đã sử dụng thuốc điều trị HIV cho các bệnh nhân nhiễm 2019- nCoV tại Bắc Kinh, dựa trên kết quả nghiên cứu được thực hiện trong đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) trước đây. Triệu chứng viêm phổi của những bệnh nhân này đều thuyên giảm rõ rệt, thậm chí một số ca bệnh còn cho kết quả âm tính với nCoV.
Nguồn: TTXVN