Brazil là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Ảnh: Reuters.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 13/07 tiếp tục phát đi cảnh báo rằng quá nhiều quốc gia trên thế giới đang đi sai đường trong cuộc chiến chống Covid-19 và đại dịch này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trên toàn cầu.
Cảnh báo được Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra chiều ngày 13/7 sau khi thế giới trong những ngày qua chứng kiến sự bùng phát số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nhiều ổ dịch lớn trên khắp thế giới.
Theo các số liệu mới nhất được WHO công bố, hiện đã có khoảng 13 triệu người nhiễm virus và hơn nửa triệu người tử vong kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm nay. Điều đáng lo ngại là mặc dù mùa Hè đã đến tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu nhưng số ca nhiễm tiếp tục gia tăng.
Hôm 12/7, đã có gần 230.000 ca nhiễm virus SARS -CoV-2 được phát hiện trên toàn cầu, bằng 1/5 số ca nhiễm trong 3 tháng đầu tiên dịch bùng phát. 80% số ca nhiễm này đến từ 10 quốc gia, và 50% đến từ hai nước là Mỹ và Brazil.
Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh, điều này cho thấy quá nhiều quốc gia hiện đang đi sai đường trong cuộc chiến chống Covid-19: “Virus vẫn đang là kẻ thù số 1 của công chúng nhưng hành động của rất nhiều chính phủ và nhiều người lại không thể hiện điều đó. Mục tiêu duy nhất của virus là tìm kiếm người để lây nhiễm nhưng các thông điệp trái ngược của nhiều nhà lãnh đạo lại đang làm tổn hại yếu tố quan trọng nhất của bất cứ phản ứng nào, đó là sự thật”.
Lời chỉ trích này của người đứng đầu WHO được xem là nhằm vào hai nguyên thủ gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Trong những ngày qua, ông Donald Trump luôn tuyên bố rằng Covid-19 sắp biến mất và nước Mỹ đã chiến thắng đại dịch, bất chấp thực tế là mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận từ 60.000 đến 70.000 ca nhiễm mới và Mỹ vẫn đang là ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới, cả về số ca nhiễm lẫn số người tử vong.
Ngoài các ổ dịch lớn vẫn diễn biến phức tạp từ nhiều tháng qua như Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico, thế giới cũng đang chứng kiến nguy cơ tái bùng phát tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã kiểm soát được dịch.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), làn sóng dịch thứ 3 đã quay lại và được đánh giá là nguy hiểm hơn cả đợt dịch đầu tiên. Một số khu vực khác như thủ đô Manila của Philippines hay một số vùng tại các nước châu Âu cũng đã phải phong toả trở lại khi dịch bùng phát./.
Nguồn: Quang Dũng/VOV-Paris