Vào 20h mỗi ngày, hàng triệu người trên khắp nước Pháp cùng ra bancông nhà họ để đập nồi, gõ trống, thổi kèn, huýt sáo và vỗ tay to nhất trong khả năng để cổ vũ tinh thần cho những nhân viên y tế đang gồng mình chiến đấu bảo vệ bệnh nhân mắc COVID-19.
Trào lưu cổ động của hàng triệu người dân, buộc phải ở nhà để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, đã kéo dài gần 3 tuần qua và là một nguồn động viên không nhỏ đối với các y, bác sĩ.
Một y tá cầm mẫu bệnh phẩm từ một người tại trung tâm sàng lọc COVID-19 ở Paris, Pháp ngày 30-3-2020 - Ảnh: AFP
Dù vậy, với hàng trăm ca tử vong mỗi ngày, đội ngũ nhân viên y tế Pháp đang đứng trước trải nghiệm cực kỳ kinh khủng.
Hãng tin AFP cho biết ngày 30-3 Pháp đã ghi nhận số ca tử vong hàng ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này, với 418 ca. Đến nay Pháp đã ghi nhận 3.024 người qua đời vì đại dịch này trong khi số ca nhiễm là 44.450.
"Khi thức dậy sáng nay tôi đã khóc. Tôi khóc khi đang ăn sáng. Tôi khóc khi chuẩn bị vào ca" - y tá Elise Cordier chia sẻ trên Facebook, trong một bài đăng tiết lộ nỗi sợ hãi và đau khổ của những người ở tuyến đầu.
Tuy nhiên, bà Cordier cho biết cũng ngay trong phòng thay đồ trước khi vào ca, "tôi hít vào, thở ra và lau khô nước mắt". "Những người nằm trên giường bệnh cũng khóc, và chính tôi đang ở đó để lau khô nước mắt cho các bệnh nhân" - y tá Cordier chia sẻ.
Với diễn tiến dịch phức tạp và số ca nhiễm lẫn ca tử vong đều đang tăng cao mỗi ngày, đội ngũ nhân viên y tế đang cống hiến hết sức mình trong một tình huống mà họ không bao giờ tưởng tượng được là họ sẽ phải đối mặt.
"Đội ngũ chúng tôi lo sợ những điều không chắc chắn đang chờ đợi chúng tôi trong tuần này và cả tháng 4" - giáo sư Elie Azoulay, trưởng phòng chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Paris, cho biết. Bệnh viện của ông Azoulay đã tăng gấp 3 số giường chăm sóc đặc biệt nhưng hiện tại đã đầy người.
"Họ sợ cho chính mình và những người thân yêu, sợ không thể cứu được người và bị choáng ngợp trước nỗi sợ đó" - ông Azoulay nói. Bác sĩ Azoulay cho biết đã hay tin nhiều y, bác sĩ ở những nơi khác tại Pháp đã qua đời trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.
"Tuy nhiên họ cũng rất kiên cường, nghiêm túc và xứng đáng được tôn trọng. Các y tá đã khiến tôi ngạc nhiên" - ông Azoulay cho biết thêm.
Một chiếc xe cứu thương đi qua gần tháp Eiffel, trên tháp có dòng chữ Merci (cảm ơn) để tỏ lòng biết ơn với các y, bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Pháp - Ảnh: AFP
Ngoài việc phải đối mặt với cái chết và sự đau khổ của các bệnh nhân không thể tự thở nổi do suy giảm chức năng phổi vì COVID-19, các nhân viên y tế còn đối mặt với nỗi sợ họ sẽ bị lây nhiễm và trở thành nguồn lây nhiễm cho gia đình.
"Nỗi sợ hãi của chúng tôi là khi phải nói với những người bệnh nằm trên cáng rằng 'xin lỗi, chúng tôi không còn giường nữa'," - ông Benjamin Davido, giám đốc khủng hoảng y tế tại bệnh viện Raymond-Poincare ở phía tây Paris, chia sẻ.
Bác sĩ Davido cho biết các nhân viên y tế bắt đầu lo lắng và dần cảm thấy giận dữ trước sự thiếu hụt đồ bảo hộ và khẩu trang trong các bệnh viện tại Pháp. Sự tức giận lên đến đỉnh điểm sau cái chết đầu tiên của một bác sĩ Pháp vào 10 ngày trước. Vị bác sĩ này đã hủy chuyến du lịch về quê ở Madagascar để giúp mọi người khi dịch bắt đầu bùng phát tại Pháp.
Các bác sĩ tâm lý tại bệnh viện giờ đây đang chuyển sự chú ý từ bệnh nhân sang những đồng nghiệp khác của họ khi chứng kiến các đồng nghiệp ngày càng bất an và lo sợ sẽ bị lây nhiễm, trở thành nguồn lây nhiễm cho đồng nghiệp, gia đình và bạn bè.
"Đây là một nỗi sợ mới mẻ mà thế hệ của chúng tôi chưa bao giờ trải qua ở cấp độ này" - bác sĩ tâm lý Julie Geneste tại bệnh viện Clermont-Ferrand ở miền trung nước Pháp cho biết.
"Chúng tôi chưa chuẩn bị cho điều này. Một số đồng nghiệp của tôi đang trong tình trạng đau khổ. Một số khác bị sốc. Mọi người đều lo sợ cho gia đình mình" - Etienne, một bác sĩ trẻ tại Paris, chia sẻ sau khi chứng kiến một bệnh nhân anh đã chăm sóc tích cực nhưng không qua khỏi.
Tuy nhiên, nỗi sợ kinh khủng nhất đối với các y, bác sĩ đã có gia đình chính là về những đứa con của họ. Bác sĩ tâm lý Nicolas Dupuis chia sẻ rằng một y tá đã kể với ông rằng con gái 7 tuổi của cô đã nói với cô rằng "mẹ ơi, nếu mẹ bị bệnh thì mẹ đừng về nhà nhé".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ