Thời điểm đầu thập niên 90 thế kỷ trước là giai đoạn khó quên trọng lịch sử châu Âu hiện đại.

 

Sau hơn 4 thập niên bị chia cắt, nước Đức bắt đầu tiến trình tái thống nhất với những sự kiện chính trị dồn dập lôi cuốn sự chú ý của cả thế giới. Nổi cộm trong đó là 3 vụ ám sát các nhà lãnh đạo chính trị xảy ra trong vòng chưa đầy nửa năm.

Vụ đầu tiên xảy ra vào ngày 25-4-1990.

Khi đang đi vận động tranh cử chức danh Thủ tướng tại địa bàn trọng yếu Cologne, đô thị đứng hàng thứ 4 ở Đức, cũng là thành phố lớn nhất của bang Bắc Nordrhein-Westfalen, ứng viên 47 tuổi Oskar Lafontaine của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã bị một "hung thủ" tiếp cận và hạ sát bằng dao.

Kẻ ra tay là Adelheid Streidel, một nữ y tá 42 tuổi làm việc trong một nhà máy chế biến thực phẩm ở địa phương đã tiến đến lễ đài cuộc mít tinh, giả vờ tặng hoa cho diễn giả O. Lafontaine rồi bất thình lình rút con dao nhọn giấu sẵn trong bó hoa đâm trúng yết hầu nạn nhân.

O. Lafontaine phải tạm dừng chiến dịch tranh cử giữa chừng để điều trị vết thương nguy kịch.

Nữ sát thủ bị cảnh sát Cologne bắt giữ ngay tại chỗ.

Kết quả điều tra sau đó cho thấy A. Streidel mắc chứng tâm thần hoang tưởng, muốn bằng mọi giá được trở thành... người nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông.

Vụ ám sát kế tiếp diễn ra vào buổi tối ngày 12-10-1990 tại quần thể nhà hàng khách sạn Brauerei Bruder ở Oppenau, một thị trấn nhỏ thuộc mạn tây nam bang Baden-Württemberg, đúng vào thời điểm chỉ hơn một tuần lễ sau khi nước Đức tuyên bố hợp nhất và trở thành thực thể kinh tế hàng đầu châu Âu.

Sau khi hoàn tất bài diễn văn tại cuộc mít tinh trong vai trò ứng viên Quốc hội thống nhất của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) đương quyền, lúc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang Wolfgang Schäuble 48 tuổi vừa từ trên diễn đàn bước xuống, liền bị một gã đàn ông đứng lẫn trong đám cử tọa đông đảo giương súng lục bắn 3 phát liên tiếp.

Bộ trưởng W. Schäuble bị trúng 2 phát đạn vào quai hàm và giữa sống lưng, còn viên thứ 3 trúng vào người cận vệ Klaus-Dieter Michalsky vừa lấy thân mình che chắn cho ông.

3 vụ ám sát chính khách sau khi nước Đức thống nhất - 0

Thủ tướng Angela Merkel và Wolfgang Schäuble. Foto: Krisztian Bocsi/Bloomberg

Thủ phạm là Dieter Kaufmann, một kẻ tâm thần phân liệt 37 tuổi.

Hắn đã bị bắt giữ cùng khẩu súng ổ quay 38 ly hiệu Smith & Wesson mà hắn đánh cắp trong tủ vũ khí săn bắn của người cha. Lý do mà hung thủ đưa ra trước các nhà điều tra là vì "chán ghét nhà nước và tìm cách báo thù"(?!).

Sau khi được sơ cứu khẩn cấp tại một cơ sở y tế địa phương, Bộ trưởng W. Schäuble được chuyển bằng trực thăng đến phẫu thuật ở bệnh viện Đại học Freiburg nên đã thoát hiểm trong gang tấc. Di chứng để lại từ chấn thương tủy sống khiến ông phải ngồi xe lăn suốt đời.

Trước đó hơn 2 tháng, vào ngày 27-7 người phụ tá thân cận của Bộ trưởng W. Schäuble là Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Hans Neusel 63 tuổi đã bị tổ chức Đạo quân Đỏ (RAF) gài bom ám sát trên đường cao tốc từ Bonn đi Auerberg.

Tuy trái bom chứa 25kg chất nổ TNT đặt dưới gầm chiếc xe hiệu BMW -7 bọc thép đã phát nổ, nhưng H. Neusel may mắn chỉ bị thương nhẹ...

RAF là một nhóm cực tả quá khích tồn tại hơn 2 thập niên, từng lên tiếng chịu trách nhiệm về 296 vụ đánh bom và phá hoại trên đất Đức trong giai đoạn từ năm 1973-1995.

Sau vụ tấn công H. Neusel bất thành, RAF huênh hoang tuyên bố "sẽ mở một cuộc chiến tranh trên toàn nước Đức thống nhất hòng tạo ra Đế chế Đệ tứ". Tới ngày 20-4-1998, RAF âm thầm tự giải thể qua một bức thư nặc danh gửi tới Hãng tin Reuters.

Cả 3 nạn nhân nói trên đều là những chính khách kỳ cựu trong lịch sử CHLB Đức.

Ứng viên O. Lafontaine từng là Thủ hiến bang Saarland từ năm 1985-1998, rồi giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Liên bang từ năm 1998-1999 và Chủ tịch SPD từ năm 1995-1999. Tới đầu năm 2007 O. Lafontaine được bầu là đồng Chủ tịch của đảng cánh tả Die Linke theo khuynh hướng XHCN. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt trong năm 2009, ông tuyên bố từ giã sự nghiệp chính trị vì lý do sức khỏe vào giữa tháng 5-2010.

Cựu Bộ trưởng Nội vụ 74 tuổi W. Schäuble hiện đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính trong nội các nhiệm kỳ 3 của đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Từ năm 1984-1991, ông là thành viên trong chính phủ của Thủ tướng Helmut Kohl, đầu tiên là Bộ trưởng Liên bang về các vấn đề đặc biệt và sau đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Từ năm 1991- 2000 W. Schäuble là thủ lĩnh nhóm nghị sĩ hùng mạnh quy tụ CDU và đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) trong Quốc hội Đức. Từ năm 1998-2000 ông đảm nhiệm chức vụ đồng Chủ tịch CDU.

Trong thành phần nội các đầu tiên của nữ Thủ tướng A. Merkel, W. Schäuble được tái bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang từ năm 2005-2009.

Bộ trưởng W. Schäuble chính là một trong những nhà kiến tạo việc thống nhất nước Đức. Đích thân Bộ trưởng Nội vụ W. Schauble được Thủ tướng H. Kohl chỉ định làm Trưởng đoàn đàm phán, đại diện cho phía CHLB Đức trong Hội nghị bàn tròn tiến tới việc tái thống nhất lãnh thổ với CHDC Đức.

Còn Chánh văn phòng Bộ Nội vụ H. Neusel từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền trung ương, như Chánh văn phòng Bộ Kinh tế Liên bang, Thư ký riêng của Thủ tướng Kurt Georg Kiesinger (1904-1988), Chánh văn phòng của Tổng thống Karl Carstens (1914-1992), Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Liên bang suốt 11 năm liền từ năm 1982-1993 qua 3 đời Bộ trưởng Nội vụ kế tiếp nhau là Friedrich Zimmermann (1925-2012), W. Schauble và Rudolf Seiters... Ông H. Neusel đã mất vào cuối năm 2013 vì bạo bệnh, hưởng thọ 86 tuổi.

Tuy nhiên ngoài trường hợp của Chánh văn phòng Bộ Nội vụ H. Neusel ra, thì 2 vụ mưu sát còn lại xuất phát hoàn toàn từ động cơ cá nhân. Như nữ sát thủ A. Streidel  thừa nhận rằng do thấy người đứng đầu chính quyền địa phương là Thủ hiến bang Bắc Nordrhein-Westfalen Johannes Rau, người sau này trở thành Tổng thống CHLB Đức ngồi ở phía quá xa, nên đã quyết định ra tay với ứng viên O. Lafontaine đứng ngay trước mặt.

Trong sổ tay ghi chép của A. Streidel còn có tên của 2 vị chính khách đương nhiệm hàng đầu khác là Chủ tịch CDU kiêm Thủ tướng H. Kohl và Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Hans-Dietrich Genscher. Còn hung thủ D. Kaufmann cho biết đã "tiện tay" nhắm bắn Bộ trưởng Nội vụ W. Schauble, đơn giản bởi cuộc mít tinh ồn ào diễn ra... quá gần nhà hắn(?!).

Sau 14 năm bị biệt giam, tới năm 2004 D. Kaufmann được đặc cách chuyển từ nhà tù Liên bang sang viện tâm thần ở Berlin điều trị chứng loạn trí.

 

Nguồn: Trần Hồng
Báo Công An Nhân Dân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC