Theo trang NBCNews, giới chức y tế Hà Lan cho biết họ đã tìm thấy biến thể Omicron trong các mẫu bệnh phẩm thu được từ ngày 19/11 và ngày 23/11. Điều này cho thấy biến thể mới có thể đã xuất hiện ở châu Âu trước khi được phát hiện tại Nam Phi. Tuy nhiên, Viện Y tế Công cộng Quốc gia Hà Lan cho biết: “Hiện vẫn chưa rõ những người này có từng đến các quốc gia phía nam châu Phi hay không”.
Đầu tuần này, Hà Lan đã ghi nhận ít nhất 14 trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong số những hành khách trên hai chuyến bay từ Nam Phi vào ngày 26/11.
Trong khi đó, Nigeria cũng đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong mẫu bệnh phẩm thu được từ tháng 10, hãng thông tấn AP dẫn nguồn Viện Y tế Công cộng quốc gia đưa tin hôm 1/12.
Đầu tháng 11, các phòng thí nghiệm ở tỉnh Gauteng, Nam Phi, đã phát hiện ra điều bất thường khi xử lý các mẫu bệnh phẩm virus SARS-CoV-2.
Theo Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi Glenda Gray, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Lancet đã nhận thấy có rất nhiều đột biến bất thường tại vùng protein gai mà virus sử dụng để xâm nhập tế bào trên một mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2 từ ngày 4/11.
“Họ không hiểu điều gì xảy ra. Họ thông báo với các nhà virus học và yêu cầu giải trình tự gien của các mẫu bệnh phẩm này”, Gray nói.
Thông thường, virus SARS-CoV-2 bao gồm 4 gien là N, S, E và ORF. Xét nghiệm PCR hoàn chỉnh có thể chỉ ra toàn bộ những gien này. Song trong các mẫu bệnh phẩm ở Nam Phi, gien S đã biết mất có thể do nó đột biến.
Tiến sĩ Shashank Joshi, thành viên lực lượng đặc nhiệm bang Maharashtra, nhận định: “Việc không tìm được gien S ở một người nhiễm virus SARS-CoV-2 là cách gián tiếp để xác nhận người đó nhiễm biến chủng Omicron, ngay cả khi không cần giải trình tự gien”. Điều này giúp các phòng thí nghiệm phát hiện sự hiện diện của Omicron trong khu vực.
Cùng thời điểm, nhiều bác sĩ đã tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng đột biến với các triệu chứng như mệt mỏi và đau đầu. Các ca nhiễm này xuất hiện sau nhiều tuần dịch COVID-19 có dấu hiệu lắng xuống. Trong những tuần tiếp theo, những mẫu bệnh phẩm bất thường xuất hiện nhiều hơn. Ngày 19/11, Raquel Viana, chuyên gia tại phòng thí nghiệm tư nhân lớn nhất Nam Phi, cũng phát hiện vô số đột biến bấ thường trong 8 mẫu virus. Sau quá trình kiểm tra, họ nhận thấy 8 mẫu đều có cùng kiểu đột biến. Họ dự đoán đây là biến thể mới.
Vào ngày 24/11, các nhà chức trách Nam Phi đã phát cảnh báo về biến thể mới, được đặt tên ban đầu là B.1.1.529, với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, vẫn không rõ nguồn gốc của biến thể này hay nó xuất hiện từ khi nào. Hai ngày sau, WHO đặt tên cho B.1.1.529 là Omicron, phân loại đây là biến thể “đáng lo ngại”.
Dù nhiều câu hỏi về độc lực, mức độ lây lan và khả năng “lẩn tránh” vaccine của Omicron vẫn còn bị bỏ ngỏ, song nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận nhiều ca nhiễm biến thể này. Đến nay, biến chủng đã được tìm thấy ở trên 20 quốc gia, 13 trong số đó thuộc châu Âu. Nhiều nước đang nỗ lực truy vết các ca nhiễm đầu tiên thông qua các mẫu bệnh phẩm thu thập trong khoảng thời gian trước khi Nam Phi báo cáo.
Tại Nam Phi, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang có xu hướng tăng mạnh và đã tăng gấp đôi chỉ trong một ngày, báo hiệu một đợt bùng phát mạnh mẽ. Trước tình hình này, nhiều quốc gia đã áp lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ những quốc gia châu Phi để ngăn nguy cơ Omicron xâm nhập.
Theo TTXVN