Foto: Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) trong một cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: RT
Hãng tin Ria Novosti dẫn nguồn tin tạp chí Der Spiegel (Đức) cho biết Berlin đã do dự trong việc cung cấp cho Ukraine các xe tăng để chống lại các lực lượng Nga, viện dẫn "lý do lịch sử”.
Các quan chức ẩn danh nó với tờ Der Spiegel rằng có tâm lý quan ngại trong nội bộ chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng chính quyền Kiev có thể tự tin thái quá nếu họ giành được các thắng lợi trên chiến trường và các lực lượng Ukraine có thể mở cuộc tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga.
Theo tờ Der Spiegel, một động thái như vậy “sẽ đồng nghĩa với việc các xe tăng Đức một lần nữa tiến vào bên trong lãnh thổ Nga”, hàm ý nhắc tới chiến dịch tấn công Liên Xô năm 1941 của phát-xít Đức.
Việc các quan chức lo ngại vũ khí Đức có thể tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga cho thấy tâm lý hoài nghi nhất định ở Berlin đối với chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Và đó cũng là một lý do giải thích vì sao ngành công nghiệp quốc phòng Đức không được ủy quyền cung cấp các xe tăng chiến đấu". Cho đến nay, mới chỉ có Ba Lan và Cộng hòa Séc cung cấp xe tăng cho chính quyền Kiev, chứ không phải các nhà xuất khẩu vũ khí lớn như Mỹ, Anh và Pháp.
Nguồn tin trên cho hay, dù một lệnh cấm chuyển giao xe tăng chưa từng được thảo luận giữa các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song Washington, London và Paris đã đạt được một thỏa thuận không chính thức về vấn đề này. Và Đức có thể không bao giờ trở thành nước đầu tiên chuyển giao cho Ukraine các xe tăng chiến trường “vì lý do lịch sử”.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2, Đức là một trong những nước phương Tây lên tiếng ủng hộ chính quyền Kiev, song Berlin mới chỉ cung cấp cho Kiev các vũ khí hạng nhẹ. Theo báo Welt am Sonntag, tới nay mới chỉ có hai lô hàng Đức đã tới Ukraine, trong thời gian từ ngày 30/3 tới ngày 26/5.
Chú thích ảnh Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard A4 do Đức sản xuất. Ảnh: RT
Trong khi đó, việc chuyển giao các vũ khí hạng nặng như 30 pháo tự hành phòng không Gepard, 7 hệ thống lựu pháo Panzerhaubitze 2000 và 4 hệ thống rocket đa nóng phóng loạt MARS II đã được Chính phủ Đức thông báo, song tới nay chưa chuyển giao.
Tuần trước, Thủ tướng Scholz tuyên bố Đức cũng sẽ cung cấp cho Kiev một trong những vũ khí hiện đại nhất của mình – đó là hệ thống phòng không IRIS-T. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Đức cho biết họ không có khí tài này trong kho và các câu hỏi nên gửi đến các nhà sản xuất.
Theo các phương tiện truyền thông, Ukraine chỉ có thể hy vọng có được các hệ thống này vào tháng 11. Theo Der Spiegel, giới chức tình báo Đức đánh giá điều đó dường như là quá muộn do các lực lượng Nga có thể sẽ hoàn toàn kiểm soát vùng Donbass trước tháng 8.
Thủ tướng Đức Scholz cũng đang đối mặt với nhiều chỉ trích gay gắt về phản ứng đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Scholz đã nhiều lần nói với các hãng truyền thông Đức rằng ông ủng hộ Ukraine nhưng không muốn thấy Đức và NATO bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga. Hồi tháng 4, nhà lãnh đạo Đức giải thích rằng Berlin không thể gửi thêm vũ khí vì kho dự trữ của Bundeswehr (quân đội Đức) đã cạn kiệt, nhưng cho biết Berlin sẽ trả tiền cho các công ty vũ khí trong nước để họ gửi các thiết bị tân trang đến Kiev.
Theo trang tin France24.com (Pháp), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Scholz đã hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành “các cuộc đàm phán trực tiếp với Tổng thống Ukraine Zelensky để tìm ra “giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột” khi ba nhà lãnh đạo này có cuộc điện đàm hôm 28/5. Trong cuộc điện đàm kéo dài 80 phút với ông Putin, hai nhà lãnh đạo EU đề cập với Moskva “yêu cầu ngừng bắn và kêu gọi Tổng thống Putin đồng ý trao đổi trực tiếp với ông Zelensky càng sớm càng tốt”.
Thanh Tuấn/Báo Tin tức