Báo Đức viết về chặng đường 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - ĐứcNét tương đồng về lịch sử, phẩm chất lao động cần cù của nhân dân hai nước là những tiền đề để Việt Nam và Đức trở thành đối tác chiến lược trên các mặt kinh tế, chính trị và văn hóa.

 Nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Đức, hãng truyền thông Đức Detsche Well (DW) ngày 27/3 có bài "Những thành tựu trong quan hệ Việt - Đức" đăng trên trang điện tử của hãng, đánh giá cao những điểm chung và lợi ích trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Việt Nam và Đức là những nước xa nhau về địa lý nhưng quan hệ gần gũi vì lịch sử có nhiều nét tương đồng. Hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, tác giả Rodion Ebbighausen mở đầu bài viết.

Việt Nam và Đức có nhiều điểm chung: cả hai từng bị chia cắt rồi tái thống nhất. Đây chính là tiền đề kết nối hai quốc gia, bà Rabea Brauer, đại diện quỹ Konrad Adenauer ở Việt Nam cho biết.

"Những kinh nghiệm chung này tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau", bà Brauer nói. "Chúng ta kết nối với nhau bởi những phẩm chất chung: tính cần cù, đúng giờ, và kỷ luật."

Theo Gerhard Will, chuyên gia về Việt Nam, làm việc tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức tại Berlin, khi nước Đức thống nhất tháng 10/1990, Việt Nam không chỉ mất đi một trong số các đồng minh quan trọng nhất, mà còn mất đi một đối tác kinh doanh lớn.

Lúc đó, khoảng 60.000 người Việt Nam xuất khẩu lao động sang Đức vẫn còn sống ở Đông Đức. Khi Đông Đức thống nhất với Tây Đức, hầu hết công nhân Việt Nam đột ngột mất việc. Họ không muốn về nước vì triển vọng làm việc ở quê nhà còn khó khăn. Kinh tế Việt Nam lúc đó chưa bùng nổ.

Quan hệ hai nước cũng căng thẳng trong một vài năm, vì những xung đột về hợp đồng xuất khẩu lao động và các khoản nợ cũ. Tuy nhiên, tất cả dần được giải quyết thông qua đàm phán, ông Will cho biết.

Trong những năm 90, Đức không chỉ trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, mà còn giúp Việt Nam mở cửa ra thế giới. Mặt khác, Việt Nam cũng trở thành đối tác có lợi cho Đức, nổi lên là một nước đang phát triển có thị trường đầy tiềm năng với dân số 90 triệu người.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng được củng cố những năm tiếp theo. "Berlin trở thành đối tác thương mại chính của Hà Nội trong khối EU (Liên minh châu Âu), và trở thành "quốc gia ưu tiên" của Đức trong hợp tác phát triển kinh tế và chính trị", Will nói.

Năm 2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký "Tuyên bố chung Hà Nội", nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn tiếp tục mối quan hệ đối tác kinh tế và hợp tác trong các lĩnh vực chính sách phát triển, môi trường, giáo dục và khoa học công nghệ.

Kể từ năm 2008, hai nước thường xuyên tổ chức "Diễn đàn Luật học". Phía Đức đã tổ chức khoảng 60 cuộc họp và hội thảo hàng năm để hỗ trợ Việt Nam về cải cách luật hình sự. Nếu thành công, việc này sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước.

Cùng ngày, hãng DW cũng đăng bài phỏng vấn bà Jutta Frasch, Đại sứ Đức tại Hà Nội. Bà Frasch đánh giá mối quan hệ hợp tác Việt-Đức phát triển mạnh mẽ trong 4-5 năm qua về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa.

Bà cho biết, hiện có khoảng 300 doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam, với số vốn đầu tư trực tiếp khoảng 170 triệu Euro. Điều này cho thấy sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam đã thu hút các nhà đầu tư Đức.

Trong hợp tác văn hóa, đáng chú ý là lớp cử nhân đầu tiên của đại học Việt-Đức đã tốt nghiệp. Đây là đại học thành lập năm 2008 ở thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong dự án phát triển quan hệ hợp tác song phương Việt-Đức.

Hiện nay, ngôi trường thu hút khoảng 750 sinh viên đang theo học, và vay Ngân hàng Thế giới khoảng 182 triệu USD để đầu tư xây dựng cơ sở mới. Ngoài ra, có khoảng 4.000 du học sinh Việt Nam ở Đức. Đây là những dấu hiệu cho thấy người Việt Nam rất quan tâm đến Đức.

Cuối cùng, bà Frasch cho biết Đức cam kết trở thành đối tác chiến lược trong quan hệ hợp tác phát triển với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nghề và tăng trưởng xanh.

Báo Đức viết về chặng đường 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Đức_0

Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Đức. Ảnh: DW




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC