Ngày 6/4, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn kêu gọi triển khai các biện pháp chống đại dịch COVID-19 một cách đồng bộ trên cả nước để ngăn chặn sự bùng phát mạnh của làn sóng lây nhiễm thứ ba hiện nay.

Phát biểu trên kênh truyền hình ARD, Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh điều quan trọng mang tính quyết định không phải là tìm kiếm biện pháp đẩy lùi đại dịch, cho dù liên bang có nhiều thẩm quyền hơn hay có sự thống nhất hơn giữa các bang, mà yếu tố quyết định là cách thức thực hiện các biện pháp.

Theo ông, cần có "sự đồng bộ và thống nhất" giữa liên bang và tất cả 16 bang, không để chỉ số lây nhiễm 7 ngày vượt 100 ca/100.000 dân. Bộ trưởng Spahn cũng cho rằng chỉ tiêm phòng và xét nghiệm chưa đủ để "bẻ gãy" chuỗi lây nhiễm của làn sóng thứ ba, mà cần hạn chế tiếp xúc để giảm sự lây lan của dịch bệnh.

Trước đó, chính phủ liên bang và chính quyền các bang của Đức đã thống nhất kế hoạch "phanh phẩn cấp" khi chỉ số lây nhiễm COVID-19 vượt quá 100 ca/100.000 dân, song không phải tất cả các bang đều thực thi kế hoạch này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã lên tiếng chỉ trích các bang không thực hiện cam kết, cảnh báo có thể cân nhắc áp đặt các biện pháp phong tỏa triệt để và đồng bộ trên cả nước nếu các bang không hành động.

Với biện pháp cứng rắn này, các trường học hầu hết sẽ lại đóng cửa, lệnh hạn chế đi lại có thể thực hiện cả ban ngày, bắt buộc các công ty phải xét nghiệm cho nhân viên, khuyến khích làm việc ở nhà.

42 1 Bo Truong Y Te Duc Keu Goi Thuc Hien Chong Dich Covid 19 Dong Bo Tren Ca Nuoc

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại ga tàu hỏa ở Berlin, Đức, ngày 25/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới (WMA) Frank Ulrich Montgomery lên tiếng ủng hộ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để chống dịch. Ông cảnh báo nếu không thực hiện phong tỏa, tình trạng lây nhiễm sẽ không thể kiểm soát trên toàn nước Đức và có nguy cơ số ca tử vong do COVID-19 lên tới 200.000 ca.

Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Armin Laschet cũng kêu gọi triệu tập các cuộc thảo luận khẩn cấp giữa giới chức các bang ngay trong tuần này để có thể nêu đề xuất "phong tỏa bắc cầu" để ngăn chặn dịch lây lan.

Theo đề xuất của ông Laschet, thực hiện phong tỏa trong thời gian ngắn nhưng nghiêm ngặt, "bắc cầu" đề thu hẹp khoảng cách giữa số ca mắc và số người được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, theo đó, hạn chế số ca mắc ở mức thấp nhất có thể cho tới khi có thêm nhiều người ở Đức được chủng ngừa.

Theo Chủ tịch CDU, đồng thời là Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen, lệnh phong tỏa phải được áp dụng trong khoảng từ 2-3 tuần với mục tiêu đưa chỉ số lây nhiễm trên cả nước xuống dưới ngưỡng 100 ca/100.000 người.

Trong khi đó, bang Saarland ngày 6/4 đã chấm dứt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh.

Theo đó, hàng loạt cơ sở đã được mở cửa trở lại, bao gồm nhà hàng ngoài trời, rạp chiếu phim, nhà hát, phòng hòa nhạc, phòng tập thể dục. Tuy nhiên, Saarland vẫn duy trì một số biện pháp như đi mua hàng cần có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện không quá 24 giờ trước đó.

Bang Saarland hiện có chỉ số lây nhiễm ở mức 77,8, là bang đầu tiên ở Đức thực hiện mô hình nới lỏng phong tỏa trên toàn bang đi kèm điều kiện. Tuy nhiên, các nhà virus học không ủng hộ mô hình thử nghiệm này, cho rằng việc thử nghiệm quy mô toàn bang ở thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay là không phù hợp, đặc biệt khi tỷ lệ nhiễm bệnh ở bang vẫn tương đối cao.

Mạnh Hùng

Nguồn: TTXVN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC