Hàng ngàn tấn rác "có nguồn gốc con người" đang là bài toán nan giải tại Đức, cả về mặt kinh tế lẫn đạo đức.
Theo tuần báo Stern, mỗi năm, các bác sĩ nước này cắt bỏ khoảng 60.000 chân, đùi, ngón chân của bệnh nhân vì tai nạn, rối loạn tuần hoàn hoặc các khối u. Ngoài ra, còn phải kể thêm các cơ quan bộ phận bị lấy ra từ các cuộc phẫu thuật điều trị hoặc pháp y: ruột thừa, da, mỡ, xương, thận, tim… Kết quả là năm nào ngành y tế Đức cũng phải đau đầu tìm cách giải quyết hàng ngàn tấn bộ phận con người.
Cơ quan Xử lý rác thải y tế đã cùng các sở môi trường tiểu bang soạn thảo các quy định và đặt mã số 180102 cho rác thải giải phẫu. Theo những văn bản này, “rác thải giải phẫu phải được xử lý riêng biệt tại chỗ, chứa trong bồn kín và chuyển đến các cơ sở đốt rác được cấp phép và không để lẫn với rác gia dụng nếu có nguy cơ lây nhiễm”.
Tại Bệnh viện Charité, một trong những bệnh viện đại học quy mô hàng đầu thủ đô Berlin với 14.500 nhân viên và 130.000 bệnh nhân, hằng ngày vẫn có một lượng lớn chất thải hữu cơ được bỏ vào những thùng chứa đặc biệt từ 30-60 lít. Tờ Stern dẫn lời người phụ trách báo chí của Bệnh viện Claudia Peter cho biết: “Chúng tôi tạo nên gần 25 tấn rác hữu cơ mỗi năm”. Cứ 2-3 ngày, khi các thùng chứa đã đầy, một công ty chuyên xử lý những loại rác đặc biệt này sẽ đến các bệnh viện để thu gom và đem đốt ở nhiệt độ 1.100°C.
Nguy cơ trở thành vật liệu... đắp nền
Tuy nhiên, giải quyết các loại rác thải giải phẫu cho đúng quy trình không hề rẻ, mỗi tấn tốn khoảng 1.000 - 2.000 euro. Đó chính là nguyên nhân vì sao nhiều cơ sở y tế tại Đức không xử lý “rác 180102” một cách bài bản. Nhiều bệnh viện tư vẫn thường ném rác từ bộ phận con người như mỡ, da trong các ca giải phẫu thẩm mỹ vào cùng chỗ với rác gia dụng. Cách làm này không trái phép nếu những loại rác này không mang nguy cơ lây nhiễm nhưng lại gây ra những tranh cãi về mặt đạo đức. Tại Đức, các loại rác gia dụng cũng được xử lý ở nhiệt độ cao và tro thành phẩm sẽ được tái sử dụng trong các công trình công cộng như một loại nguyên liệu để… đắp nền. Vì vậy, khi bỏ cùng chỗ thì tro của rác thải giải phẫu cũng sẽ trở thành vật liệu xây dựng.
Trong ngành pháp y, nhiều trường hợp các bác sĩ phải mổ lấy cơ quan, bộ phận của người đã khuất và giữ lại một thời gian dài nên khi kết thúc điều tra thì việc mai táng đã hoàn tất từ lâu. Thường thân nhân rất muốn nhận lại những phần còn “sót” để chôn cất tử tế nhưng rất ít khi lên tiếng. Các cơ quan, bộ phận khi ấy lại trở thành rác thải giải phẫu. Giáo sư Markus Rothschild, Giám đốc Viện Pháp y thuộc Đại học Cologne than thở: “Chúng tôi luôn lúng túng trong việc giải quyết một bộ não hay một quả tim từng được bảo quản và nghiên cứu để phục vụ điều tra”. Một số cơ quan pháp y ở Đức đã tìm ra giải pháp tương đối khả dĩ. Nhờ thỏa thuận với hội đồng thành phố, các rác thải “nguồn gốc con người” này sau khi đem đốt sẽ được tập trung vào các hũ cốt tập thể và chôn tại nghĩa trang địa phương.
Quy định nhập nhằng
Lâu nay, việc hậu sự của những trẻ sơ sinh chết ngay khi vừa chào đời hoặc thai nhi trong những trường hợp sẩy thai thật sự là một nỗi ám ảnh của các bệnh viện Đức. Thông thường, khi thân nhân không mang về mai táng, nếu đứa bé nặng hơn 500 gram sẽ được đem chôn cất, ngược lại thì bỏ vào nhóm “rác 180102”. Thời gian gần đây, để đỡ phải “cắn rứt lương tâm”, nhiều bệnh viện đã chủ động chôn cất các thai nhi “chưa đủ chuẩn trọng lượng” trong các huyệt mộ chung.
Những bệnh nhân chẳng may phải giải phẫu đoạn chi cũng không muốn một phần thân thể của mình bị vứt bỏ một cách “lạnh lùng”. Bà Monika Neumann thuộc Hội Những người Berlin bị đoạn chi nhận định trên Stern: “Bị mất tay hay chân là nỗi đau tinh thần khủng khiếp. Bệnh viện nên đem thiêu và chôn cất dưới một hình thức thích hợp nếu bệnh nhân yêu cầu”. Bà Neumann đã phải mổ chắt bỏ chân trái vì bị tắc mạch và bà đã bàng hoàng khi biết được bệnh viện xử lý “rác 180102” như thế nào.
Chính quyền, chính trị gia, chuyên gia về luật và giới chức ngành y tại Đức vẫn chưa thể tìm ra một biện pháp thống nhất cho rác thải giải phẫu. Cùng lúc họ phải giải quyết rất nhiều vấn đề: vệ sinh môi trường, quy định mai táng, quyền của người “sở hữu”… Chính vì vậy, việc dùng các cơ quan, nội tạng cho nghiên cứu tại các trường đại học y khoa vẫn chưa khả thi. Tại Đức, bệnh nhân có quyền yêu cầu được giữ lại phần thân thể của mình sau phẫu thuật cắt bỏ, trừ trường hợp có thể gây bệnh truyền nhiễm. Nhưng theo nhà nghiên cứu luật Tade Spranger thuộc Đại học Bonn, “nếu họ không xác định rõ trước khi phẫu thuật thì những “tài sản cá nhân” ấy được xem như vô thừa nhận”.
Theo TN.