Kinh doanh thực phẩm Halal (thực phẩm Halal là thịt của con vật được cắt tiết theo đúng nghi thức của đạo Hồi) chiếm 20% tổng doanh thu từ việc buôn bán thực phẩm trên thế giới. Nhưng tại các siêu thị ở Đức tìm thứ thịt này thật khó. Ngành thương mại Đức không cần thu hút khách hàng theo đạo Hồi chăng?
Trong tiếng Ả Rập, "Halal" có nghĩa là "được phép". Trước khi cắt tiết con vật, đồ tể phải thốt lên câu kinh “Allah Akbar" (có nghĩa là: Nhân danh Allah, Đấng vĩ đại).
Trên hành tinh chúng ta có khoảng 1,6 tỷ người theo đạo Hồi. Phần lớn trong số họ tuân thủ luật Hồi giáo trong việc ăn uống, tức chỉ dùng thực phẩm Halal. Thịt Halal phải được đảm bảo không được ngâm tẩm, bổ sung những gia vị, chất bảo quản không phù hợp với tín ngưỡng của người Hồi giáo.
Đồ ăn Halal chiếm 20% tổng doanh thu từ việc kinh doanh thực phẩm trên toàn thế giới. Các chuyên gia tính toán rằng ở Đức mức doanh thu từ thịt Halal sẽ là 5 tỷ euro mỗi năm. Điều này chẳng có gì lạ vì Đức có hơn 4 triệu công dân theo đạo Hồi. Song rõ ràng là các công ty Đức đã tụt xa các đối thủ của mình ở Pháp, Hà Lan, Anh… trong việc kinh doanh thực phẩm Halal.
Kinh doanh các loại thực phẩm đáp ứng những điều cấm kỵ của đạo Hồi mang lại không ít lợi nhuận. Tập đoàn Nestle của Thụy Sĩ là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong theo hướng này và thực phẩm Halal chiếm 5% tổng doanh thu. Từ mùa Thu năm 2010 người Hồi giáo có thể mua sản phẩm Halal của Nestle ngay tại Đức. Từ lâu “người khổng lồ” trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đã chú ý tới tình trạng ở Đức có nhiều người Hồi giáo nhưng không dễ tìm đồ ăn Halal. Nestle coi Đức là thị trường tiềm năng của tập đoàn.
Tại nhiều nước châu Âu như Pháp, Bỉ, Hà Lan, các tập đoàn chế biến thực phẩm tìm mọi cách thu hút khách hàng theo đạo Hồi. Riêng các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ của Đức không chịu làm theo. Nhiều ông chủ ngại bị “hỏng hình ảnh” vì chuyện kinh doanh thức ăn Halal. Lý do là không ít khách hàng không theo đạo Hồi coi sự xuất hiện của thực phẩm Halal là nguy cơ “Hồi hóa” xã hội Đức. Để tránh sự tấn công từ phía các phần tử cực hữu, số ít công ty sản xuất thức ăn Halal đều không muốn quảng bá rộng sản phẩm của mình.
Trên thực tế tại các siêu thị ở Đức hiện nay có gần 4.000 loại thực phẩm mà người theo đạo Hồi có thể sử dụng. Chỉ có điều không rõ đó có thực là thức ăn Halal hay không và làm thế nào để nhận biết chúng.
Theo chị Meliha Serefican, người Đức gốc Thổ 39 tuổi, thì bột mì, gạo, đường, dầu và mỡ thực vật, lạc, ca cao, muối, đậu nành… đều là thức ăn Halal và người Hồi giáo có thể sử dụng. Còn bánh kẹo thì phải kiểm tra thành phần nguyên liệu theo một bản danh sách dài dằng dặc mà phụ nữ Hồi giáo luôn mang theo mình. Sau khi đã đối chiếu cẩn thận và thấy đúng là sản phẩm “an toàn” thì chị Mehila mới nhặt một gói bánh cho vào xe đẩy. Thông tin kiểu này từ đâu mà có vẫn là điều bí ẩn đối với người ngoài cuộc. Mehila thậm chí không dừng bước trước quầy chứa thịt gà tây ướp lạnh bởi người Hồi giáo không bao giờ mua thịt ở các siêu thị do người Đức làm chủ. Ở quầy cá philê tẩm gia vị chị đứng xem xét một lúc lâu rồi lắc đầu nói: “Cá, rau, cà chua và phomát thì không sao nhưng keo động vật thì bị cấm”.
Đối với người Hồi giáo ở Đức việc mua thức ăn ở siêu thị tốn rất nhiều thời gian và nơron thần kinh. Tuy nhiên ở Đức ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng của người Thổ Nhĩ Kỳ và người Arập. Các doanh nghiệp Đức sẽ bị cạnh quyết liệt nếu họ vẫn cố tình lờ đi lượng khách hàng Hồi giáo đông đúc. Có lẽ kinh doanh thực phẩm Halal đối với họ chỉ còn là vấn đề thời gian.