Ngày 11-1, Bộ Nông nghiệp Đức cho biết sẽ phải tiêu hủy hàng trăm con lợn ở một trang trại thuộc vùng Lower Saxony sau khi phát hiện số lợn này nhiễm dioxin ở mức cao.
Thức ăn chăn nuôi nhiễm độc
Theo AP, giới chức nông nghiệp vùng Lower Saxony ra thông báo cho biết, mức độ nhiễm dioxin cao trong thịt heo được phát hiện hôm 10-1 tại một nông trang tại Hạt Verden. Trang trại này sau đó đã được cách ly trong khi các chuyên gia y tế Đức đổ xô đến giám định.
Trước đó, chủ trang trại trên đã mua thức ăn chăn nuôi của Công ty German firm Harles & Jentzsch GmbH – đã cung cấp 3.000 tấn phụ gia axít béo nhiễm độc tố cho 25 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, trong đó khoảng 2.500 tấn giao trong tháng 11 và 12 cho các nông trại ở bang Lower Saxony.
Vụ bê bối trứng, thịt gà và thịt lợn nhiễm dioxin tại Đức bùng phát hồi tuần trước khi các thanh tra nông nghiệp nước này phát hiện ba mẫu trong số 15 mẫu thịt gà, gà tây và thịt heo nhiễm nồng độ dioxin cao gấp hai lần cho phép. Trước đó, trong trứng cũng phát hiện mức dioxin vượt quá quy định.
Ngay sau đó, Chính phủ Đức đã “đóng băng” tiêu thụ thịt gia cầm, thịt lợn và trứng gà tại hơn 4.700 trại chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp Đức trấn an rằng, thịt nhiễm độc tố chưa được bán ra và việc hấp thụ dioxin mức độ thấp trước mắt không gây hại cho sức khỏe.
Nhiều nước cảnh giác
Phản ứng với thông tin trên, nhiều nước đã bày tỏ lo lo ngại về thịt nhập khẩu sử dụng thức ăn chăn nuôi nhiễm dioxin từ Đức. Sau Hàn Quốc, đến lượt Slovakia - nước châu Âu đầu tiên cấm tiêu thụ gia cầm từ Đức.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) khẳng định không cần thiết phải ra lệnh cấm, Đức cũng ra sức trấn an các nước về an toàn thực phẩm khi đưa ra kết quả xét nghiệm cho thấy, mức dioxin chấp nhận được trong thịt gia cầm và thịt lợn.
EU cho rằng chưa đủ cơ sở để tuyên bố cấm Đức xuất khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi khác, vì các trang trại đã được đóng cửa và sản phẩm đã bị niêm phong. Hội đồng châu Âu (EC) cho biết, việc Hàn Quốc là nước đầu tiên ngưng nhập khẩu thịt lợn của Đức là phản ứng “thái quá”.
Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Nga cuối tuần trước cho biết, họ đang tăng cường kiểm tra thực phẩm động vật có nguồn gốc từ Đức và các nước EU khác, tuy nhiên Nga chưa áp dụng chế độ kiểm soát nghiêm ngặt đối với các mặt hàng này.
Theo AP.