Hôm qua (21/1), Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Đức đã bỏ phiếu nhất trí bắt đầu đàm phán chính thức về thành lập liên minh với liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel với sự ủng hộ đạt 56%.
Đây được xem là một bước tiến để nền kinh tế hàng đầu châu Âu có thể thành lập một chính phủ mới sau nhiều tháng bế tắc.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, vòng đàm phán quyết định này vẫn còn rất nhiều khó khăn khi kết quả bỏ phiếu hôm 21/1 của Đảng SPD không chứng tỏ sự ủng hộ vượt trội của các thành viên, đòi hỏi các nhà lãnh đạo của Đảng này phải “mạnh bạo” hơn nữa trong vòng đàm phán tới.
Tại kỳ đại hội đặc biệt diễn ra ở thành phố Bonn, miền Tây nước Đức ngày 21/1, có 362 người trong tổng số 642 thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã bỏ phiếu ủng hộ “thỏa thuận sơ bộ” thành lập chính phủ Liên minh mà Đảng này đã đạt được với liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Merkel trước đó, chiếm tỷ lệ 56%. Kết quả này được xem là có ý nghĩa rất quan trọng đối với tương lai chính trị của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Ngay lập tức, Thủ tướng Đức Merkel đã lên tiếng hoan nghênh “quyết định” đa số thành viên trong Đảng SPD nhằm tái lập chính phủ “Đại liên minh” lãnh đạo đất nước từ năm 2013, với các chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế, công bằng xã hội và an ninh.
Bà Merkel nói: “Sau khi Đảng liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) hoàn thành cuộc đàm phán thăm dò từ vài tuần trước, mở đường cho các cuộc đàm phán liên minh, chúng tôi rất vui mừng và hoan nghênh Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã làm tương tự tại Đại hội Đảng của họ. Sau các cuộc thảo luận sâu rộng và gây tranh cãi, đã có một kết quả tích cực mở đường cho vòng đàm phán liên minh. Tất nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục thảo luận giữa các bên và các cuộc tranh luận kỹ càng là cần thiết”.
Nhiều hãng truyền thông cho biết, hôm nay (22/1), Liên Đảng Bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã bắt đầu các hoạt động chuẩn bị cho vòng đàm phán chính thức về việc thành lập Chính phủ mới liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội (SPD).
Một số nguồn tin còn cho hay, Thủ tướng Đức Merkel hôm 22/1 sẽ gặp lãnh đạo Đảng SPD Martin Schulz để xúc tiến vòng đàm phán quyết định này trong vài ngày tới, thậm chí là ngay ngày mai (23/1).
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn đang chờ đợi nhà lãnh đạo các đảng của Đức khi kết quả bỏ phiếu hôm 22/1 của Đảng SPD không chứng tỏ sự ủng hộ vượt trội của các thành viên.
Điều này sẽ buộc các lãnh đạo Đảng SPD phải đàm phán mạnh mẽ hơn nữa trong lần đối thoại tới với Liên Đảng Bảo thủ (CDU/CSU) để có một kết quả “cuối cùng (nếu được)” thuyết phục đa số trong khoảng 440.000 thành viên của đảng này trong cuộc trưng cầu ý dân trên phạm toàn quốc sau đó.
Áp lực vẫn đang đặt trên vai các nhà lãnh đạo Đảng SPD trong một số vấn đề thảo luận vẫn còn nhiều bất đồng với liên Đảng Bảo thủ(CDU/CSU) như bảo hiểm y tế công và tư, vấn đề người tị nạn.
Trước đó, ngày 12/1 vừa qua, sau 5 ngày tiến hành các cuộc đàm phán thăm dò, lãnh đạo liên đảng CDU/CSU và đảng SPD đã đạt được tiến triển “mang tính đột phá” với thỏa thuận dài 28 trang về những nguyên tắc cơ bản để bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập một chính phủ đại liên minh mới trong vài tuần tới.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong thỏa thuận sơ bộ này là hai bên nhất trí cam kết hợp tác chặt chẽ với Pháp để cải tổ và củng cố Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một cách bền vững, nhằm giúp toàn liên minh ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng như thống nhất mức trần người tị nạn tối đa mà nước Đức có thể tiếp nhận hàng năm là 220.000 người.
Nguồn: Đình Nam (Tổng hợp)
VOV