Ảnh minh họa: Getty Images
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, cho biết đã tìm thấy "bằng chứng đầy đủ" cho thấy việc nhập khẩu xe điện chạy pin mới từ Trung Quốc đã tăng mạnh 14% kể từ khi tiến hành cuộc điều tra và nhiều mặt hàng nhập khẩu đã nhận được trợ cấp của chính phủ dưới hình thức giãn thuế hoặc trợ cấp tiền trực tiếp.
Theo công ty nghiên cứu độc lập Rhodium Group, thuế của EU phải nằm trong khoảng 40-50% để có thể gây ảnh hưởng và "làm chùn bước" các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, EU đang đánh giá các biện pháp đối phó của mình dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, trong đó đặt ra mức thuế có khả năng áp dụng từ 15-30%.
Tập đoàn Rhodium cho biết, nhập khẩu xe điện Trung Quốc của EU đã tăng từ 1,6 tỷ USD (1,5 tỷ euro) năm 2020 lên 11,5 tỷ USD năm 2023, chiếm 37% tổng lượng xe điện nhập khẩu trong khối.
Theo phóng viên TTXVN tại CHLB Đức, các nhà sản xuất ô tô Đức, vốn cực kỳ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt phản đối các biện pháp đối phó của EU vì lo ngại các biện pháp đáp trả của Trung Quốc.
BMW nhập khẩu xe điện Mini EV và iX3 do Trung Quốc sản xuất vào châu Âu và phụ thuộc vào doanh thu từ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của BMW, chiếm gần 1/3 tổng doanh số trong quý I/2024.
Giám đốc điều hành BMW, Oliver Zipse, cho biết hoạt động trên cơ sở toàn cầu mang lại cho các nhà sản xuất ô tô lớn những lợi thế công nghiệp và những lợi thế này có thể gặp nguy hiểm nếu áp dụng thuế nhập khẩu chống bán phá giá. Các đối thủ Đức của BMW là Volkswagen và Mercedes-Benz cũng phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Volkswagen cảnh báo hàng rào thuế quan nhìn chung có rủi ro nhất định, đó là những hình thức đáp trả.
Ông Zipse đã bác bỏ ý kiến cho rằng tình trạng dư thừa năng lực của Trung Quốc là nguyên nhân chính của tranh chấp. Ông nói: “Cuộc điều tra chống trợ cấp chống lại Trung Quốc trái ngược với những gì chúng tôi mong đợi. Hơn một nửa doanh số bán ô tô của Trung Quốc ở châu Âu là từ các công ty không phải của Trung Quốc. Thuế quan là biện pháp bảo vệ về cơ bản sẽ gây hại cho chúng tôi. Thị phần của các nhà sản xuất Trung Quốc ở Đức và châu Âu là dưới 1%".
Beatrix C. Keim, Giám đốc Phát triển Kinh doanh & Dự án Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Ô tô (CAR), cũng cho rằng dư thừa công suất không phải là vấn đề: “Thị trường ô tô Trung Quốc vẫn chưa bão hòa và giờ đây với việc chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng mới (NEV), năng lực sản xuất sẽ được chuyển từ ô tô động cơ đốt trong sang NEV”. Bà cũng chỉ ra rằng Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các bước hạn chế giấy phép sản xuất xe NEV.
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu ngày càng lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc có thể tạo ra một vòng xoáy "trả đũa ăn miếng trả miếng". Do sự phụ thuộc vào Trung Quốc và những rủi ro đi kèm với nó, các nhà hoạch định chính sách của EU dường như ngày càng chịu áp lực phải cân nhắc cẩn thận phản ứng của mình để tránh bất kỳ sự leo thang nào.
Và có vẻ như trò chơi "ăn miếng trả miếng" đã bắt đầu. Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X gửi tới nhóm vận động hành lang EU, Phòng Thương mại Trung Quốc cho biết họ đã nhận được thông tin rằng Chính phủ Trung Quốc có thể áp thuế cao tới 25% đối với ô tô nhập khẩu có động cơ lớn. Mức thuế cao hơn sẽ tác động tới BMW và Mercedes-Benz, hai hãng xuất khẩu xe SUV và sedan hạng sang sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Keim của CAR cho biết các biện pháp đối phó của Trung Quốc không nhất thiết nhắm vào ô tô châu Âu mà là "linh kiện ô tô hoặc các lĩnh vực công nghiệp nhạy cảm khác", chẳng hạn như máy móc. Ngoài ra, bà nói, có thể có "việc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu xa xỉ và điều này thực sự sẽ gây tổn hại lớn đến các nhà sản xuất thiết bị gốc của Đức".
Thu Hằng (P/v TTXVN tại Berlin)