Các nhà cung cấp phụ tùng ôtô của Đức đang gặp không ít khó khăn và thách thức trước sức ép cạnh tranh về giá cũng như kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) về chuyển đổi từ ôtô sử dụng động cơ đốt trong sang ôtô điện trong khuôn khổ nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Ngành công nghiệp ôtô lâu nay là một trong những trụ cột kinh tế của Đức, theo đó, sản xuất các mặt hàng phụ tùng ôtô như ống xả, đèn pha, hộp số hoặc phanh đem lại công việc có thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân nước này.
Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh về giá đang đặt ra sức ép đối với không ít nhà cung cấp phụ tùng ở Đức. Trong thông báo mới đây, Continental - nhà máy cung cấp giải pháp phụ tùng nằm trên địa bàn thị trấn Gifhorn, phía Bắc nước Đức, cho biết sẽ đóng cửa nhà máy vào năm 2027.
Continental sẽ chuyển dây chuyền sản xuất đến Croatia, Cộng hòa Séc và xứ Wales của Vương quốc Anh, nhằm đảm bảo chi phí sản xuất ở mức cạnh tranh. Continental cũng sẽ cắt giảm khoảng 7.000 nhân sự trên toàn cầu.
Việc chuyển đổi vị trí sản xuất đồng nghĩa khoảng 800 công nhân của Continental sẽ phải học nghề lại từ đầu để có thể làm công việc mới.
Không chỉ riêng Continental, các công ty công nghệ toàn cầu khác chuyên cung cấp giải pháp phụ tùng như Bosch, ZF và Webasto mới đây cũng đã thông báo cắt giảm nhân sự.
Cụ thể, tập đoàn ZF - nhà cung cấp phụ tùng ôtô lớn thứ hai ở Đức - đã thông báo đóng cửa hai cơ sở ở thị trường trong nước, cùng với việc cắt giảm khoảng 12.000 vị trí việc làm.
Một trong những nguyên nhân chính là cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nhà sản xuất đối thủ ở Trung Quốc. Ngoài ra, Nghị viện châu Âu hồi tháng Hai năm ngoái thông qua luật cấm bán ôtô chạy bằng xăng và dầu diesel ở EU từ năm 2035 nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện và chống biến đổi khí hậu. Biện pháp này đã đánh dấu sự kết thúc đối với kỷ nguyên ôtô chạy bằng động cơ đốt trong.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Đức (VDA), cứ 3 công ty trong ngành sản xuất ôtô ở Đức thì có 1 công ty đang lập kế hoạch chuyển một phần dây chuyển sản xuất ra bên ngoài trong những năm tới nhằm cắt giảm chi phí sản xuất.
Sự chuyển đổi này không chỉ dẫn đến sự cắt giảm nhân lực địa phương mà còn dẫn đến tác động dây chuyền khiến một loạt nhà cung cấp phụ tùng cũng phải cắt giảm lao động.
Một minh chứng nữa là trường hợp tập đoàn sản xuất ôtô Ford của Mỹ thông báo đóng cửa nhà máy tại thị trấn Saarlouis, miền Tây nước Đức, kéo theo một loạt công ty cung cấp phụ tùng cũng phải cắt giảm nhân sự.
Làn sóng cắt giảm nhân sự ngày càng gia tăng và đã trở thành vấn đề nhận được nhiều quan tâm ở châu Âu trong bối cảnh các nước khác đang hướng đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng Sáu tới./.
(TTXVN/Vietnam+)