Áo đã cân nhắc khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga sau việc Moscow bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine vi phạm biên giới Nga tại eo biển Kerch vào ngày 25 tháng 11 vừa qua.
Tờ Die Welt đưa tin, tại một cuộc họp bí mật của Ủy ban An ninh và Chính trị ở Brussels hôm 27/11, các nhà ngoại giao Pháp và Đức đã hội đàm về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt hiện có của EU đối với Nga sau khi Nga và Ukraine leo thang căng thẳng về vụ đụng độ ở eo biển Kerch.
Tại đây, họ khẳng định rằng, cần thiết phải thực hiện các biện pháp mang tính xây dựng, tức là không bao gồm các lệnh trừng phạt.
Thay vào đó, chính phủ Đức và Pháp muốn tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để giải quyết căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron tại Berlin hồi tháng 5/2017.
Trước đó, bà Karin Kneissl, Ngoại trưởng Áo - quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - khẳng định rằng, khối này sẽ cân nhắc các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga "tùy thuộc vào tình hình thực tế".
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass đề xuất Pháp - Đức làm trung gian hòa giải trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng mới nhất giữa Moscow và Kiev khi Ukraine kêu gọi hỗ trợ quân sự từ các quốc gia đồng minh phương Tây.
"Chúng tôi phải làm mọi thứ để giảm leo thang căng thẳng, qua đó ngăn chặn khủng hoảng biến thành mối nguy hiểm nghiêm trọng hơn đối với an ninh châu Âu", ông nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, không cần thiết người làm trung gian bởi vì chính phủ Nga và Ukraine có khả năng tự giải quyết vấn đề của mình.
"Nếu phía Ukraine và các đối tác của họ tại châu Âu muốn không bao giờ tái diễn các vụ việc như vậy thì Kiev cần phải đưa ra một tín hiệu rõ ràng. Không phải Nga, mà các quốc gia liên lạc chặt chẽ với giới chức Ukraine phải đảm bảo rằng không có những hành động khiêu khích như vậy nữa", ông Lavrov nói.
Hôm 25/11, 3 tàu của Lực lượng Hải quân Ukraine, gồm 2 tàu trang bị pháo và 1 tàu kéo, đã xâm phạm lãnh hải Crimea và phớt lờ cảnh báo từ phía Nga. Ba tàu này đã vượt qua biên giới quốc gia Nga tại Biển Đen và tiến vào hải phận của Nga thực hiện các hoạt động nguy hiểm.
Sau đó, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, thêm 2 chiến hạm khác của Ukraine đã rời khỏi Berdyansk để gia nhập cùng 3 tàu trên. Tuy nhiên, chúng đã nhanh chóng quay trở lại.
Theo hãng thông tấn TASS của Nga, tất cả 3 tàu của hải quân Ukraine đã bị bắt giữ tại Biển Đen do vi phạm biên giới quốc gia Nga. 3 thủy thủ Ukraine đã bị thương song không đe dọa đến tính mạng.
FSB nhấn mạnh, "trước khi thực hiện các quyết định nguy hiểm và thiếu trách nhiệm như vậy, lãnh đạo Kiev đáng lẽ phải tính đến những hậu quả có thể xảy ra".
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cáo buộc Nga gây hấn và quyết định áp đặt thiết quân luật tại quốc gia này cho đến tháng 1/2019.
Hôm 26/11, 7 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ đã không thông qua chương trình nghị sự của Nga trong cuộc họp về cuộc khủng hoảng với Ukraine.
Chương trình nghị sự trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình ở Biển Azov, được triệu tập theo yêu cầu của Nga là "Vi phạm biên giới Liên bang Nga".
Minh Thu (Theo Sputnik)
Nguồn: doanhnghiepvn.vn