Nó không còn phải là chuyện riêng, tức là chuyện nội bộ của Tây Ban Nha nữa. Nó hiện còn đã trở thành chuyện pháp lý của cả châu Âu.
Ông Carles Puigdemont
Nguyên do là cựu thủ hiến xứ này, ông Carles Puigdemont, đã bị cảnh sát Đức bắt giữ trên đường từ Đan Mạch trở về Bỉ theo yêu cầu của Tây Ban Nha trong khuôn khổ trách nhiệm thực hiện cái gọi là Lệnh bắt giữ châu Âu. Vấn đề đặt ra ở đây bây giờ là phía Đức có dẫn độ ông Puigdemont sang Tây Ban Nha theo yêu cầu của chính phủ Tây Ban Nha hay không. Chuyện luật và lệ cũng vì thế mà có.
Ở Tây Ban Nha, ông Puigdemont chủ trương thúc đẩy và thực hiện xứ Catalonia ly khai Tây Ban Nha nên bị cáo buộc tội “Nổi loạn” và một vài tội khác nữa. Ở nước Đức, luật pháp quy định chỉ dẫn độ những người nước ngoài với tội danh “Phản quốc” cho những nước mà nước Đức có ký kết thỏa thuận về dẫn độ hoặc tham gia hệ thống tư pháp chung như Tây Ban Nha.
Ngôn từ cụ thể ở hai nước khác nhau nên chỉ khi hiểu hai khái niệm khác nhau có cùng nội dung thì phía Đức mới có cơ sở pháp lý để đáp ứng yêu cầu của chính phủ Tây Ban Nha. Chính phủ Đức rất muốn dẫn độ ông Puigdemont cho Tây Ban Nha nhưng chính vì có sự mập mờ về cách hiểu luật kia nên tuyên bố không can thiệp vào quyết định của phía tư pháp và cũng sẽ không phủ quyết mọi quyết định của tòa án.
Theo luật ở nước Đức, tòa quyết định chuyện dẫn độ nhưng chính phủ có quyền phủ quyết bởi chuyện dẫn độ luôn là chuyện chính trị, chuyện quan hệ giữa các quốc gia liên quan. Chính phủ Đức hy vọng và tin rằng tòa sẽ quyết thuận cho việc dẫn độ ông Puigdemont về Tây Ban Nha.
Cứ theo luật ở nước Đức thì ông Puigdemont không thể bị dẫn độ về Tây Ban Nha bởi hai lẽ. Thứ nhất, luật ấy không quy định rõ là tội danh “nổi loạn” thuộc diện đưa đến phán xử là sẽ bị dẫn độ. Ngôn từ không minh bạch và khái niệm không rõ ràng thì tòa không thể xác định được cụ thể và đúng đắn bản chất hành vi phạm tội, không thể phán xử công minh được.
Thứ hai, ông Puigdemont sử dụng phương cách chính trị và pháp lý ở Catalonia để tiến hành chuyện ly khai khỏi Tây Ban Nha chứ không dùng bạo lực. Chính phía chính phủ Tây Ban Nha mới sử dụng bạo lực trong chuyện này. Vì thế luật phải bảo vệ và bảo hộ cho ông Puigdemont chứ không thể giúp chính phủ Tây Ban Nha xử lý ông Puigdemont. Luật rõ ràng là vậy.
Trong trường hợp này ở nước Đức, quyết định chắc chắn không phải là luật mà là lệ, cụ thể là cái lệ hiểu và vận dụng luật tùy theo mục đích đề ra và là cái lệ luật pháp cũng như tư pháp phải phục vụ chính trị đối ngoại. Chính phủ Đức đã công khai ý định giúp chính phủ Tây Ban Nha bằng tuyên bố không phủ quyết mọi phán quyết của tòa, dành quyền quyết định cuối cùng cho tòa, tức là buộc tòa phải đưa ra quyết định chính trị trước khi có phán quyết về pháp lý.
Tòa này không thể không nhận ra ngầm ý của chính phủ Đức là dẫn độ ông Puigdemont về Tây Ban Nha bởi nếu không thì đã chẳng có chuyện người này bị cảnh sát bắt giam. Ông Puigdemont từ nhiều tháng nay vẫn đi lại tự do ở nhiều quốc gia thành viên EU. Một khi tòa bị tác động từ phía chính trị như thế thì việc hiểu “”nổi loạn” thành “phản quốc” là chuyện dễ như trở bàn tay.
Điều duy nhất khiến phía Đức, cả chính phủ lẫn tòa án, phải lo liệu là bản thân ông Puigdemont muốn quốc tế hóa chuyện của mình nên đã cố tình nhập cảnh vào Đức, chấp nhận rủi ro bị bắt giữ. Cho nên bởi luật lệ như thế mà không biết ai đang mắc bẫy ai.
Nguồn: Pháp Luật VN