Chính phủ mới của Đức, do Thủ tướng Friedrich Merz lãnh đạo, đã chính thức từ bỏ quan điểm phản đối năng lượng hạt nhân – đánh dấu tín hiệu rõ ràng đầu tiên về sự hòa giải với Pháp trong chính sách năng lượng chung của Liên minh châu Âu (EU).

1 Duc Bo Phan Doi Dien Hat Nhan Mo Duong Hop Tac Nang Luong Voi Phap

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bên phải, và Thủ tướng Đức Friedrich Merz tại Paris vào đầu tháng này © Sean Gallup/Getty Images

Berlin chấp thuận loại bỏ định kiến về hạt nhân trong luật pháp EU, mở ra bước ngoặt chính sách năng lượng châu Âu

Chính phủ mới của Đức, do Thủ tướng bảo thủ Friedrich Merz lãnh đạo, đã chính thức từ bỏ quan điểm phản đối năng lượng hạt nhân – đánh dấu tín hiệu rõ ràng đầu tiên về sự hòa giải với Pháp trong chính sách năng lượng chung của Liên minh châu Âu (EU).

Theo các quan chức Pháp và Đức, Berlin đã gửi tín hiệu cho Paris rằng họ sẽ không còn cản trở nỗ lực của Pháp nhằm đưa điện hạt nhân được công nhận ngang hàng với năng lượng tái tạo trong luật pháp của EU.

Động thái này giúp tháo gỡ một trong những bất đồng lớn nhất giữa hai cường quốc, vốn đã làm chậm trễ nhiều quyết định chính sách năng lượng của EU – đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

“Người Đức đã nói với chúng tôi rằng họ sẽ rất thực dụng về vấn đề năng lượng hạt nhân,” một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp tham gia đàm phán tiết lộ. “Điều này có nghĩa là tất cả những định kiến chống lại hạt nhân còn tồn tại rải rác trong các văn bản luật EU sẽ bị loại bỏ.”

Một quan chức Đức gọi đây là “bước ngoặt lớn về chính sách”.

Động thái đảo chiều này diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Merz đang tìm cách mở rộng hợp tác với Pháp, kể cả khả năng gia nhập “lá chắn hạt nhân” của Pháp như một biện pháp răn đe trước mối đe dọa từ Nga.

“Giờ đây, chúng tôi thực sự cởi mở để đàm phán với Pháp về năng lực răn đe hạt nhân cho châu Âu. Dù muộn, nhưng còn hơn không,” một quan chức Đức nói.

Theo chuyên gia Guntram Wolff thuộc viện nghiên cứu Bruegel, đây là “một bước xích lại đáng hoan nghênh” giữa Berlin và Paris, giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán về năng lượng ở cấp độ EU trở nên dễ dàng hơn.

Đổi chiều chính sách sau nhiều năm bất đồng

Chính sách mới của Berlin là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Merz nhằm khôi phục mối quan hệ hợp tác Pháp - Đức, vốn bị đình trệ dưới thời cựu thủ tướng Olaf Scholz – điều được xem là tiền đề để đưa ra những quyết sách lớn ở cấp độ EU.

“Khi Pháp và Đức đồng thuận, châu Âu sẽ dễ dàng tiến lên,” giáo sư Lars-Hendrik Röller – cố vấn kinh tế của cựu thủ tướng Angela Merkel – nhận định.

Ông Merz, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 2, từng chỉ trích quyết định rút khỏi điện hạt nhân năm 2011 của chính phủ Đức dưới thời bà Merkel – một đồng nghiệp trong đảng – khi cho rằng điều đó khiến nước Đức mất đi nguồn điện giá rẻ và ổn định.

Ông cũng phê phán người tiền nhiệm Olaf Scholz vì đã đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức trong lúc cả nước phải vật lộn với giá năng lượng cao.

Dù không có kế hoạch khôi phục lại các nhà máy điện hạt nhân truyền thống, Merz cam kết đầu tư vào các công nghệ mới như lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR)nhiệt hạch hạt nhân – một công nghệ không tạo ra chất thải phóng xạ lâu dài như phân hạch.

Năng lượng hạt nhân trở lại trung tâm chính sách EU

Sự xích lại giữa Pháp và Đức diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia EU quay lại với điện hạt nhân, sau khi giá khí đốt tăng vọt do xung đột Nga – Ukraine.

Áo hiện là quốc gia duy nhất trong EU vẫn kiên quyết phản đối năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, các nước như Hà Lan và Bỉ đã đảo ngược kế hoạch đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân trước đây.

Trong một bức thư gửi Ủy ban châu Âu hôm thứ Sáu (17/5), 12 quốc gia EU có lò phản ứng hạt nhân đã nhấn mạnh rằng EU cần công nhận tính bổ trợ giữa năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.

Các nước này kêu gọi EU cập nhật báo cáo về ngành hạt nhân nhằm mở đường cho chính phủ các nước được phép hỗ trợ tài chính cho các dự án điện hạt nhân, đồng thời gửi “tín hiệu rõ ràng” tới doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trước đây, Đức từng phản đối mạnh mẽ nỗ lực của Pháp trong việc xếp loại điện hạt nhân là “năng lượng xanh”. Một phần lý do là lo ngại rằng ngành công nghiệp Pháp – với 56 lò phản ứng – sẽ có lợi thế cạnh tranh so với ngành công nghiệp Đức vốn đang vật lộn vì thiếu nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga.

Vấn đề còn mang tính lý tưởng: Đảng Xanh – lực lượng chính trị chống hạt nhân – là một phần trong chính phủ Scholz trước đây.

Tranh cãi giữa hai nước khiến việc đưa cụm từ “năng lượng carbon thấp” (ám chỉ năng lượng hạt nhân) vào các văn bản luật EU trở thành một đề tài tranh cãi kéo dài – đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hydro, vốn được Berlin coi là yếu tố then chốt để khử carbon ngành công nghiệp nặng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong chuyến thăm của Thủ tướng Merz tới Paris ngày 7/5, phát biểu:

“Để bảo đảm chủ quyền năng lượng và tôn trọng lựa chọn quốc gia, chúng tôi kêu gọi chấm dứt mọi sự phân biệt đối xử ở cấp độ châu Âu đối với năng lượng carbon thấp, dù đó là năng lượng hạt nhân hay tái tạo.”

Theo các quan chức Pháp, điều này cũng đồng nghĩa rằng từ nay, hydro được sản xuất từ điện hạt nhân sẽ được EU coi ngang hàng với hydro từ năng lượng mặt trời hoặc gió.

Lê Hải Yến - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC

theo Finacial Times




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC