Vụ việc bắt đầu từ vụ một người đàn ông Đức 35 tuổi có tên Daniel H (được giấu tên họ, theo luật pháp Đức) bị đâm chết, sau một lễ hội đường phố ở thành phố Chemnitz (miền đông nước Đức) vào rạng sáng 26.8.
Cảnh sát Chemnitz nói họ đã bắt giữ một người Syria 22 tuổi, một người Iraq 21 tuổi, là hai nghi can giết chết nạn nhân người Đức. Công tố viên Christine Muecke nói vụ giết người là do hai bên đấu khẩu trước đó.
Phe cực hữu truy sát người nước ngoài ở “điểm nóng” Chemnitz
Vụ án mạng đã làm bùng nổ các cuộc biểu tình do phe cực hữu tổ chức để chống người nước ngoài ở Chemnitz hôm 26.8, thu hút 6.000 người tham gia cùng 1.500 người chống biểu tình thuộc cánh tả.
Và cuộc biểu tình nhanh chóng xảy ra bạo lực, với các nhóm nhỏ cực hữu truy lùng người nước ngoài trên đường phố trong vụ bạo lực kéo dài đến tối 27.8, khiến ít nhất 6 người bị thuơng.
Các hình ảnh TV cho thấy cánh cực hữu xông qua cảnh sát, lao vào đánh phe tả và hô to những lời chào của phát xít, cùng các câu quá khích như “Một người Đức chết đổi lấy một tên nước ngoài phải chết!”, và “Lực lượng kháng chiến đang diễu hành ở đây!”.
Foto: Phe cực hữu biểu tình - Ảnh: Reuters
Thành phố Chemnitz từng là một khu công nghiệp có tên Karl Marx Stadt vào thời chính quyền Đông Đức cũ nắm quyền lực. Vài năm gần đây, kinh tế thành phố gặp khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp cao và khoảng 80.000 dân đã bỏ đi nơi khác.
Chemnitz thuộc bang Sachsen, và bang này từ lâu nổi tiếng là “điểm nóng” của cảm xúc chống người di cư. Ở cuộc bầu cử Quốc hội Đức năm 2017, đảng cực hữu Con đường khác cho nước Đức (AfD) giành được gần ¼ số phiếu từ cử tri Chemnitz.
Đảng Xanh cũng chỉ trích Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer “quạt nóng” cảm xúc bài xích người di cư, đề nghị ông tính chuyện từ chức sau khi bạo lực xảy ra.
Nghị sĩ Konstantin von Notz (thuộc đảng Xanh, đối lập) nói vụ bạo lực gợi nhớ những sự cố ở các vùng khác thuộc Đông Đức cũ hồi đầu thập niên 1990, khi chính quyền không thể ngăn chặn bọn cực hữu tấn công người di cư.
Cảnh sát Đức bị chỉ trích cản trở hoạt động truyền thông
Sau đó, Lutz Bachmann, người lập nhóm cực hữu Pegida, dùng mạng xã hội Twitter để công bố ảnh chụp trát bắt vốn có đầy đủ tên của nghi can người Iraq.
Thông tin này càng làm nghi ngờ cảnh sát thành phố dính líu với phe cực hữu. Người phát ngôn cảnh sát đã phải xác nhận thông tin vụ “tuồn” trát bắt với báo giới: “Tài liệu đó là thật. Chúng tôi đang điều tra nội bộ, liên quan việc vi phạm bí mật của cơ quan”.
Ông Martin Dulig, Phó thủ hiến bang Sachsen nói vụ tuồn tài liệu nhà nước này là “quá bê bối”.
Vụ này cũng “đổ dầu vào lửa” cho sự lo ngại đã có, rằng cảnh sát dính líu với đảng chống nhập cư AfD và với nhóm cực hữu Pegida. Và đã có sự chọc ngoáy cảnh sát bằng chữ Pegizei, tức kết nối Pegida với chữ Polizei (cảnh sát).
Tuần trước, cảnh sát Đức cũng bị cáo buộc bao che nhóm Pegida, sau khi họ chặn một nhóm quay phim của đài truyền hình nhà nước ZDF, không cho họ thu hình một cuộc biểu tình ở Dresden suốt 45 phút, sau khi có lời phàn nàn của một người biểu tình phản đối dân nhập cư, mà sau đó người phàn nàn chính là một cảnh sát viên.
Ngày 29.8, cảnh sát Chemnitz lại bị chỉ trích, sau khi hãng thông tấn DPA (Đức) đưa tin cảnh sát thừa nhận đã triển khai chỉ vài nhân viên kiểm soát cuộc biểu tình, vì đánh giá thấp số lượng người biểu tình.
Cảnh sát bị chỉ trích “nói láo”, thiếu chuẩn bị kỹ để ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối bạo lực, trong khi cơ quan bảo vệ pháp luật của bang Sachsen đã cảnh báo trước, rằng rất đông thành phần cực hữu từ khắp nước Đức đã đến Chemnitz.
Trước đó, cảnh sát nói đã triển khai 591 nhân viên, nhưng rồi giám đốc sở thừa nhận “con số đó hoàn toàn không chính xác”.
Thủ hiến bang Sazoxy, ông Michael Kretschmer dự báo người biểu tình sẽ còn tiếp tục hoạt động, nhưng ông tin tưởng lực lượng an ninh đã sẵn sàng kiểm soát một cuộc biểu tình hôm 30.8 sẽ được tổ chức bởi nhóm cực hữu Pro Chemnitz.
Ông Kretschmer nói chính quyền bang có quyền sử dụng vũ lực và hứa sẽ có hành động cứng rắn với phe cực hữu.
Nguồn: Bích Ngọc
1thegioi/ Guardian