Trong khi Eurozone bi quan về thoả thuận cứu trợ dành cho Hy Lạp thì ECB đã quyết định tiếp tục nâng trần thanh khoản cho các ngân hàng Hy Lạp.
Bi quan
Chiều 22/6, cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm chuẩn bị chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh bất thường của Eurozone về tình hình Hy Lạp đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
TTXVN, mặc dù theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo Eurozone sẽ họp ngay sau cuộc họp này, song hy vọng về một thỏa thuận giải ngân cho Hy Lạp dường như quá mong manh khi trước thềm cuộc họp, giới chức khu vực này cho biết sẽ không đàm phán với Athens và khẳng định một thỏa thuận "cho vay đổi lấy cải cách" chỉ có thể đạt được sau khi nó được chuẩn bị ở mức kỹ thuật và được các bộ trưởng tài chính thông qua.
Người Hy Lạp xuống đường ủng hộ Thủ tướng Alexis Tsipras |
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo cuộc họp thượng đỉnh bất thường của Eurozone thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể chỉ diễn ra dưới hình thức tham vấn nếu các chủ nợ của Athens không chấp nhận các đề xuất cải cách mà nước này vừa đệ trình sáng 22/6.
Trước đó, người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert, cho biết mọi việc hoàn toàn phụ thuộc vào ba định chế tài chính (gồm Liên minh châu Âu - EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) sẽ xem xét đề xuất cải cách và ngân sách mới do Hy Lạp trình các đối tác châu Âu.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgan Schaeuble cũng đưa ra đánh giá bi quan về kế hoạch cải cách mới do Hy Lạp đệ trình trước cuộc họp thượng đỉnh, cho rằng những biện pháp này không có nhiều yếu tố mới, để có thể dẫn đến một thỏa thuận giải ngân tiếp theo.
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Alexander Stubb "dội gáo nước lạnh": "Tôi không biết những đề xuất mới của Athens, song cũng không mấy hy vọng cuộc họp sắp diễn ra sẽ đạt kết quả".
Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone Jeroen Dijssebloem cũng thừa nhận rằng nhóm "bộ ba" chủ nợ khó có thể đưa ra được đánh giá cuối cùng về những đề xuất cải cách của Hy Lạp.
Cứu Athens để tự cứu mình?
Trước khi những tuyên bố bi quan được đưa ra tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Eurozone, sáng 22/6, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã mở rộng khung hỗ trợ tài chính theo chương trình Hỗ trợ Thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp.
Đây là lần thứ ba trong chưa đầy một tuần qua, ECB hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng Hy Lạp trong bối cảnh khách hàng đang ồ ạt rút tiền hoặc chuyển tiền ra nước ngoài do lo ngại nguy cơ Athens rơi vào phá sản do không thể giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở quốc gia này.
Trong tuần qua, trần mức hỗ trợ thanh khoản cho Hy Lạp đã được tăng hai lần tương ứng là 1,1 tỷ euro và 1,8 tỷ euro, lên tổng số 85,9 tỷ euro. Tuy nhiên, trước sức ép của các ngân hàng Hy Lạp do tình trạng rút nóng tiền gửi ngân hàng (trên 40 tỷ euro trong tuần), ECB đã tiếp tục tăng mức ELA cho Hy Lạp. Hiện mức nâng trần ELA lần thứ ba này chưa được công bố, song đây được xem là nguồn tiền chủ đạo cho việc thanh khoản của các ngân hàng Hy Lạp.
Báo The Guardian kêu gọi châu Âu bằng mọi giá cứu Hy Lạp để tự cứu lấy mình. “Giữ Hy Lạp ở lại Eurozone đem đến những hệ quả xấu song để nước này ra đi còn tồi tệ hơn, không chỉ kinh tế mà còn về địa chính trị, lịch sử và con người” - bài viết cảnh báo.
Chẳng hạn, sau khi rời Eurozone, Hy Lạp có thể bỏ phiếu phủ quyết việc gia hạn trừng phạt Nga vì khủng hoảng Ukraine. Ở chiều ngược lại, Nga có thể nhân dịp này bày tỏ tình đoàn kết với Hy Lạp dù khả năng Moscow bỏ nhiều tiền giúp Athens là không cao.
Theo báo Financial Times (Anh), Mỹ đang ngày càng lo ngại trước những tác động chính trị có thể có từ khả năng Nga gia tăng ảnh hưởng với Hy Lạp, một thành viên NATO. Trong khi đó, Trung Quốc đang sở hữu cảng container Piraeus ở Hy Lạp và dùng nơi này để xâm nhập châu Âu nhằm phục vụ chiến lược “con đường tơ lụa mới” . Với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, Bắc Kinh sẵn sàng chìa tay cho Athens, qua đó gia tăng ảnh hưởng ngay trong lòng EU.
Tối 21/6 theo giờ địa phương, hàng nghìn người đã xuống đường ở thủ đô Athens của Hy Lạp để ủng hộ Chính phủ cánh tả của Thủ tướng Tsipras. Những người tham gia cuộc tuần hành này không hài lòng với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà các chủ nợ áp đặt đối với Hy Lạp trong hai gói cứu trợ trước đây, mà theo đó, tiền lương và lương hưu bị cắt giảm mạnh, bên cạnh tỷ lệ thất nghiệp bị đẩy lên 25%. Ở một số thành phố của châu Âu như Brussels và Amsterdam, nhiều người cũng xuống đường tuần hành để thể hiện sự đoàn kết với người dân Hy Lạp. |
- An Nhiên (Tổng hợp)