Tình hình châu Âu thời gian gần đây đang ngày càng trở nên rối ren và bế tắc.
Trước làn sóng người di cư, một số nước châu Âu đã đưa ra những đề xuất không chính thức về việc thu hẹp khu vực Schengen với lý do dòng người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi có thể tràn vào châu Âu thông qua các nước Trung Âu.
Hôm 21/2, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cảnh báo trong hai tuần tới, các nước EU "cần phải thống nhất một cách tiếp cận chung nếu không muốn viễn cảnh Schengen đổ vỡ xảy ra".
Trong đó, thiệt hại lớn nhất lên tới 235 tỷ euro cho nền kinh tế đầu tàu là Đức và 244 tỷ euro cho Pháp trong vòng một thập kỷ từ 2016 đến năm 2025.
Tổ chức "Bertelsmann Foundation" có trụ sở tại Đức tính toán rằng trong kịch bản bi quan nhất, khi Khu vực Schengen bị phá vỡ, các trạm kiểm soát xuất hiện trở lại tại biên giới các nước, giá hàng hóa nhập khẩu có thể tăng tới 3%.
Tổ chức này chỉ ra rằng khi phải thực hiện các biện pháp kiểm tra tại biên giới, thời gian vận chuyển hàng hóa trong châu Âu sẽ tăng lên, đẩy giá thành hàng hóa lên cao đối với các công ty và người tiêu dùng.
Ngay cả khi giá hàng nhập khẩu chỉ tăng 1%, phá bỏ Schengen cũng sẽ khiến EU phải chi phí thêm 470 tỷ euro từ nay đến năm 2025.
Thiệt hại này có thể lên đến 1,4 nghìn tỷ euro, hay 10% Tổng Sản phẩm Nội khối (GDP) của liên minh 28 thành viên này.
Trong khi hiệp ước Schengen đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ thì mối lo Anh rời khỏi liên minh EU ngày càng đến gần khiến các bên vô cùng lo lắng.
Phát biểu với báo giới, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas khẳng định: Châu Âu chưa có "kịch bản B" trong trưởng hợp cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi EU.
Tuy vậy, EC sẽ không tham gia chiến dịch vận động trong cuộc trưng cầu ý người dân tại Anh và khẳng định bất kỳ sự can thiệp nào có thể dẫn đến sự phản tác dụng.
Sau cuộc họp nội các khẩn cấp, nước Anh đã bắt đầu khởi động các chiến dịch vận động người dân trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 23/6.
Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định, kết quả từ cuộc trưng cầu này sẽ là quyết định cuối cùng trong việc đi hay ở lại EU của London và sẽ không có lần đàm phán thứ hai.
Theo kết quả cuộc thăm dò được đăng tải hôm 21/2, hiện có 48% số người được hỏi cho rằng nước Anh nên ở lại EU, trong khi 33% số người có ý kiến ngược lại.
M.P