Một gia đình di dân vừa rời xuồng cứu hộ lên bờ tại bãi biển Dungeness ở hạt Kent (Vương quốc Anh) vào ngày 24-11 - Ảnh: AFP
Tai nạn khiến quan hệ ngoại giao giữa Anh và Pháp trở nên căng thẳng, đồng thời cảnh báo các nước châu Âu về một cuộc khủng hoảng di cư mới.
Tìm kiếm giải pháp
Theo Chính phủ Anh, năm nay số người vượt biên qua eo biển Manche tăng hơn gấp ba so với 2020. Tới tháng 11-2021, con số này đã là 33.000 người, so với con số chưa đầy 10.000 của cả năm ngoái, trong khi số tàu thuyền chỉ tăng 30%. Đồng nghĩa mỗi chuyến đã bị nhồi nhét thêm người và hành trình càng nguy hiểm hơn.
Trước tai nạn thương tâm nói trên, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đồng ý tổ chức họp ngày 28-11 tại Calais với sự tham gia của Bộ trưởng Nội vụ các nước Hà Lan, Bỉ, Đức cùng đại diện của Ủy ban châu Âu về việc hợp tác xử lý tình trạng di cư trái phép.
Tuy nhiên, sau khi ông Johnson gửi bức thư ngỏ trên Twitter cho ông Macron vào ngày 25-11 thì Bộ trưởng Nội vụ Anh, Priti Patel, không được mời nữa. Trong thư ngỏ, ông Johnson lặp lại đề nghị cử lực lượng biên phòng Anh tới Pháp giúp tuần tra bờ biển - một đề nghị bị phía Pháp cho là xâm phạm "chủ quyền quốc gia", theo Đài BBC.
Ông Johnson cũng bày tỏ hy vọng hai nước sẽ đạt được thỏa thuận như Liên minh châu Âu (EU) đã có với Belarus và Nga, và cho đến khi một hiệp định của EU có hiệu lực thì Anh và Pháp có thể đưa ra thỏa thuận song phương.
Phía Pháp bất mãn cho rằng Thủ tướng Johnson so sánh họ với Belarus, nước bị Brussels cáo buộc cố tình đưa người di cư bất hợp pháp vào EU, trong khi họ vẫn cố gắng ngăn chặn dòng người vào Anh.
Cả hai chính phủ đã nhiều lần thắt chặt kiểm soát biên giới, giải tỏa các khu tạm cư mà hàng ngàn người tị nạn từ châu Phi, Trung Đông, châu Á dựng lên tại khu Calais, nhưng nhiều người vẫn tìm đến Anh bằng cách lẻn lên phà, trốn trong xe tải hay thuyền nhỏ.
Trong cuộc họp ngày 28-11, Pháp và các nước Hà Lan, Bỉ, Đức đã nhất trí sẽ tăng cường hợp tác ngăn chặn các băng đảng đưa người di cư trái phép với sự hỗ trợ của Cơ quan biên phòng châu Âu (Frontex).
Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin, hàng nghìn người di cư ở Calais muốn đến Anh do thủ tục xin việc dễ hơn ở Pháp. Nhiều người trong họ biết tiếng Anh hoặc có gia đình, bạn bè tại Anh. Trong năm 2020, Pháp đã nhận được 80.000 đơn xin tị nạn, trong khi Anh nhận 27.000 đơn.
Phát ngôn viên Chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, nói với báo Le Monde cần có một giải pháp của EU. Phía Anh cho rằng việc giải quyết sẽ phụ thuộc vào châu Âu nhưng "điều này phải được thực hiện với sự cộng tác".
EU lúng túng
Trước đây, EU đã có thỏa thuận với Belarus về việc bảo vệ biên giới với khối này. Tuy nhiên, đầu năm nay Tổng thống Alexander Lukashenko chấm dứt thỏa thuận đó để đáp trả việc EU áp một số lệnh trừng phạt Belarus vì cái mà EU gọi là "chế độ độc tài" tại đây.
Mấy tháng qua, EU không ngừng lên án Belarus vì đã giúp nhiều người di cư từ Iraq, Afghanistan, Syria... đến biên giới giữa Belarus với Ba Lan, Lithuania và Latvia khiến EU lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu nhận họ thì sẽ có rất nhiều người khác kéo đến, còn không nhận sẽ bị dư luận quốc tế chê trách là không tôn trọng nhân quyền!
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Marija Zakharova, mỉa mai là Ba Lan đã đưa hơn 2.000 binh sĩ tới Iraq để tham gia "xây dựng nền dân chủ" tại đó, thì sao không chịu nhận một số tương đương những người Iraq "tri ân" họ.
Trước áp lực của EU, ngày 18-11 Belarus đưa nhóm đầu tiên gồm 430 người quay về Iraq, nhưng đó chỉ là phần nhỏ. Vẫn còn hàng ngàn người cố trụ lại ở biên giới giữa thời tiết lạnh giá với hy vọng Brussels sẽ đổi ý.
Hiện Ba Lan đã tập trung 15.000 binh sĩ tại biên giới với Belarus. Trước khi Ba Lan tăng cường lực lượng bảo vệ biên giới, khá nhiều người đã vào được Ba Lan rồi tới Đức.
Trong tháng 9, Đức ghi nhận 1.903 trường hợp như vậy. Qua tháng 10, con số này vọt lên 5.285. Lithuania chỉ có 2,8 triệu dân nhưng trong mùa hè năm nay đã phát hiện hơn 4.000 người nhập cư lậu.
EU bị chỉ trích "đạo đức giả"
Chủ tịch Tổ chức từ thiện Fundacja Ocalenie, ông Piotr Bystrianin, nói với phái viên báo Weekend Avisen có mặt tại làng Usnarz Górny, gần biên giới với Belarus, là các quan chức EU hành xử như những kẻ "đạo đức giả".
Theo ông Piotr, trong một số trường hợp EU chỉ trích Ba Lan không tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng trong chuyện người di cư thì lại làm ngơ khi rõ ràng là cả Ba Lan và Lithuania đều vi phạm luật pháp quốc tế khi bỏ mặc họ đối mặt với nguy cơ chết cóng trong rừng khi mùa đông đã tới.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online