Để cung cấp thêm một số thông tin về vấn đề này, chúng tôi xin dẫn ra một số số liệu có liên quan :
1. Diễn biến mới nhất - Ba Lan tuyên bố: “Chúng tôi là nạn nhân chiến tranh chưa được bồi thường”
Tại cuộc họp báo tại Warszawa ngày 24/8/2017 mới đây, Thủ tướng Ba Lan Beata Szyldo tuyên bố: Ba Lan yêu cầu Đức bồi thường các khoản thiệt hại mà nước này đã gây ra cho Ba Lan trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Trong phát biểu của Thủ tướng Ba lan còn có một ý như sau:
“Ba Lan đang nói về sự công bằng. Ba Lan đang nói về những gì cần phải thực hiện . Chúng tôi (Ba Lan) là nạn nhân của Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chúng tôi là những nạn nhân vẫn chưa được bồ thường cho những thiệt hại mà mình phải gánh chịu”.
Và: “Nếu như có ai đó chỉ trích lập trường lập trường của chúng tôi và có những quan điểm khác, họ cần phải, trước hết, đọc lại lịch sử và nhớ lại những gì đã xảy ra trên đất Ba Lan trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai”.
Trước đó, một quan chức cao cấp khác của Ba Lan là Bộ Trường Quốc phòng Antoni Matserevich cũng đã tuyên bố về ý định đòi Đức bồi thường chiến tranh, xin trích một ý trong phát biểu của ông:
“Không bao giờ lại có chuyện Quốc gia Ba Lan từ chối những khoản bồi thường chiến tranh mà nước Đức đã phải trả cho Ba Lan. (Kẻ đã không nhận những khoản bồi thường đó) là một thuộc địa Xô Viết dưới cái tên gọi là Nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan và một bên có liên quan là một quốc gia bù nhìn khác (của Liên Xô) với tên gọi là Cộng hòa Dân chủ Đức”.
2. Ngược dòng lịch sử: Đức đã trả cho Liên Xô và Ba Lan như thế nào?
Những vấn đề về những khoản bồi thường chiến tranh mà nước Đức phải trả cho các nước thắng trận đã được giải quyết dứt điểm tại Hội nghị Potsdam (Hội nghị ba nhả lãnh đạo các cường quốc lớn là Liên Xô, Mỹ, Anh trong Liên minh chống Phát xít - Stalin, Truman và Churchill họp từ ngày 17/7 đến 2/8/1945).
Theo các thỏa thuận đạt được tại Potsdam, các khoản bồi thường phải được vật chất hóa (- nói cách khác là trả bằng hiện vật: các nhà máy, xe ô tô, trang bị, dự trữ hàng hóa, cũng như những khoản đầu tư của Đức ra nước ngoài).
Thủ tướng Ba Lan Beata Szyldo. Ảnh / www.globallookpress.com
Tổng giá trị số lượng tài sản của Đức mà các nước chiến thắng có thể vận chuyển ra khỏi nước Đức (từ những khu vực chiếm đóng của mình) là bao nhiêu lại không được quy định cụ thể trong các thỏa thuận.
Cũng theo các điều kiện trong thỏa thuận ba bên nói trên, Liên Xô còn có quyền được nhận thêm từ các khu vực chiếm đóng của Mỹ, Anh và Pháp khoảng 25% tổng số các trang thiết bị được tháo dỡ.
Những yêu sách đòi bồi thường của Ba Lan sẽ đáp ứng bằng cách trích từ số những tài sản bồi thường mà Liên Xô được nhận .
Liên Xô đã đưa về nước từ các khu vực chiếm đóng trên đất Đức một khối lượng tài sản được định giá là 15,8 tỷ đôla.
Theo số liệu của Tổng cục chiến lợi phẩm Xô Viết thì đã có72.000 toa tàu vật liệu xây dựng, gần 3.000 nhà máy, 96 nhà máy điện, 340.000 máy công cụ, 200.000 motor điện, 1.335.000 gia súc, 2.300.000 tấn ngũ cốc được chuyển từ Đức về Liên Xô.
Các đợt vận chuyển hàng bồi thường chiến tranh từ các khu vực chiếm đóng của đồng minh đã chấm dứt vào năm 1949, ngay sau khi Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập .
Khoảng từ 8 đến 15% tổng số tài sản mà Liên Xô đưa về từ Đức sau đó đã được chuyển giao cho Ba Lan .
3. Tại sao Liên Xô lại nhẹ tay như vậy trong vấn đề bồi thường chiến tranh?
Nếu tính một cách tương đối chi tiết thì (giá trị) các xí nghiệp bị tháo dỡ từ các nước Liên minh (trục) Phát xít và được đưa về Liên Xô chỉ bằng 14% tổng số những tổn thất mà Liên Xô phải gánh chịu do cuộc xâm lược của Hitler.
Theo số liệu của Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước Liên Xô sau Chiến tranh là Nhikolai Voznhesenski thì những trang thiết bị chiến lợi phẩm mang về thừ Đức chỉ có giá trị bằng 0.6% tổng số những tổn thất trực tiếp của Liên Xô .
Hiệp ước hòa bình ký với Ý quy định nước Ý phải bồi thường cho Liên Xô từ 4-5% tổng số thiệt hại mà Ý đã gây ra cho Liên Xô.
Như vậy, các yêu sách đòi bồi thường của Liên Xô không vượt quá 8% tổng số thiệt hại trực tiếp do chiến tranh gây ra cho mình và ít hơn 3% tổng số thiệt hại nói chung.
Chính sách “nhẹ nhàng” này của Stalin được thực hiện một cách nhất quán và có chủ ý.
Giới lãnh đạo Xô Viết không muốn lặp lại kịch bản Hòa ước Versailles (chấm dứt Thế chiến thứ nhất), khi các quốc gia thắng trận đã buộc nước Đức phảo trả khoản bồi thường chiến tranh tương đương với 100.000 tấn vàng.
Gánh nặng tài chính không thể chịu đựng nổi đó đã đóng vai trò hết sức tiêu cực, kích động tâm lý phục thù dân tộc và dẫn đến việc Hitler lên nắm quyền tại Đức.
4. Thỏa thuận hướng tới tương lai
Cũng cần phải nói thêm một chi tiết có liên quan là ngay sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, cả Pháp và Anh đều nhắc nhở Berlin về khoản nợ bồi thường chiến tranh còn chưa được thanh toán từ thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất, và nước Đức đã phải thanh toán hết các khoản còn thiếu nói trên.
Những nội dung công việc đền bù sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất mãi đến năm 2010 mới kết thúc.
Còn Liên Xô, cùng với việc thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức, giới lãnh đạo Xô Viết quyết định chấm dứt việc tịch thu tài sản của Đức trên khu vực Liên Xô chiếm đóng.
Một thỏa thuận như vậy đã được ký kết năm 1953, theo đó thì Liên Xô và Ba Lan cam kết đồng thời ngừng nhận bồi thường từ phía Cộng hòa Dân chủ Đức – thỏa thuận chính thức có hiệu lực kể ngày từ 01/01/1954. (Đây chính là điều mà Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan muốn nói tới như đã dẫn ở đầu bài báo).
Như vậy, nếu tính rằng Liên Xô đã có đưa ra những yêu sách đòi bồi thường rất chừng mực, còn Ba Lan thì chỉ nhận lại một phần trong số những tài sản mà Liên Xô được nhận, rõ ràng la những tổn thất mà Ba lan phải gánh chịu trong chiến tranh đã không được bù đắp một cách đầy đủ.
Tuy nhiên, cả ba nước XHCN khi đó đều cho rằng đó là bước đi thông minh và hợp lý vì một tương lai chung.
5. “Vùng đất được trao trả”: sau chiến tranh, Ba Lan đã nhận 25% lãnh thổ nước Đức
Nếu nói về những khoản bồi thường mà Ba Lan mà được nhận sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không thể không nhắc đến cái gọi là “vùng đất được trao trả”.
Như đã biết, khu vực lãnh thổ Tây Ucraine, Tây Belarus sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã được cắt cho Liên Xô.
Nếu coi đó (Tây Ukraine và Tây Belarus thuộc về Liên Xô) là tổn thất (của Ba Lan ) thì thực ra đó cũng chỉ mang tính tương đối - ngay cả ANTANA (Liên minh chính trị- quân sự Nga, Anh, Pháp trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất) vào năm 1920 cũng không công nhận những khu vực lãnh thổ trên là của Ba Lan – Antanta lúc đó phân chia đường biên giới theo một tuyến gọi là “tuyến Curzon” ( trên bản đồ) .
Mặc dù vậy, khi xây dựng mối quan hệ mới với Ba Lan XHCN, Liên Xô cho rằng đất nước này cần phải được bồi thường về lãnh thổ. Và nước duy nhất có thể cắt đất để đền bù lãnh thổ cho Ba Lan, dĩ nhiên là nước Đức.
Khái niệm vùng lãnh thổ được trao trả được hiểu là những khu vực lãnh thổ từng đã có người Slavo sinh sống và do Ba Lan kiểm soát cho đến đầu thế kỷ XI.
Theo quyết định của Hội nghị Potsdam, Ba Lan được tiếp nhận các vùng phía Đông nước Đức nằm ở phía Đông tuyến Order/ Neisse: Tây Phổ (một phần), Silesia (một phần), East Pomerania (Đông Pomerania), Đông Brandenburg, thành phố Danzig và cả vùng Szczecin.
Tổng cộng, Ba Lan đã nhận khoảng 25% diện tích lãnh thổ Đức nếu tính theo đường biên giới năm 1937.
Thêm nữa, các khu vực lãnh thổ nói trên không phải là “các sa mạc trơ trụi”. Người Ba Lan được nhận các khu vực lãnh thổ đông dân cư, có kinh tế phát triển và không bị chiến tranh tàn phá nhiều.
Năm 1946, trên các khu vực phải chuyển giao cho Ba lan nói trên có tới hơn 2,3 triệu người Đức sinh sống, - những người này sau đó buộc hoặc là phải tự nguyện rời vùng đất này, hoặc bị trục xuất.
Nhà cửa, xí nghiệp, trang trại – tất cả đều phải để lại cho những người Ba Lan được chính phủ nước này đưa từ những nơi khác đến sinh sống tiếp quản. Đây coi là một trong những chiến dịch di cư ồ ạt nhất sau Chiến tranh.
6. Năm 2004 , Warszawa đã từng tuyên bố là mọi vấn đề đã được giải quyết
“Vùng đất trao trả” trong nhiều thập kỷ đã từng là đầu tàu phát triển kinh tế của Ba Lan, mặc dù hiện nayWarszawa không muốn nhắc tới điều đó .
Nhưng đó chưa phải là hết.
Năm 1991, nước Đức thống nhất (nước Đức mới) đã ký với Ba Lan – lúc này đã không còn là Ba Lan XHCN nữa một hiệp ước về quan hệ láng giềng hữu nghị.
Trong khuôn khổ hiệp ước đó, Berlin đã trả cho Ba lan khoản tiền đền bù (chiến tranh) 500 triệu Marks, cùng với 2 tỷ Marks khác dành cho Chương trình đền bù cho các tù nhân các trại tập trung và nạn nhân của các chương trình lao động cưỡng bức của nước Đức Phát xít.
Mới đây, trước các tuyên bố của giới chức Ba Lan, Chính quyền Đức đã có phản ứng và nhắc lại với Warszawa rằng mọi vấn đề về bồi thường đã được khép lại.
Hơn nữa, vào năm 2004, khi phát biểu tại Hội nghị Liên minh Châu Âu , chính phủ Ba Lan đã chính thức tuyên bố là sẽ không đòi hỏi thêm bất kỳ khoản bồi thường nào nữa từ phía Đức.
7. Vấn đề là 6.000 tỷ đôla
Theo các cuộc thăm do dư luận mới nhất , có tới 2/3 số người Ba Lan được hỏi ủng hộ yêu sách đòi Đức bồi thường.
Còn tổng số tiền đòi bồi thường – một số chuyên gia Ba Lan tính toán và đưa ra một con số khó tin - vào khoảng từ 5.500 đến 6.000 tỷ đôla.
8. Sẽ đến lượt Nga
Đối với Nga, Ba Lan không chỉ cáo buộc Liên Xô (Nga là nước thừa kế hợp pháp của Liên Xô) khởi động Chiến tranh thế giới lần thứ hai qua các tuyên bố mà còn đang phá bỏ các tượng đài Xô Viết trên đất Ba Lan qua hành động.
Cũng như đối với Đức, Ba Lan cũng đòi Nga phải bồi thường chiến tranh.
Tờ báo Ba Lan “Dziennik” đã đưa tin là các đại biểu Sejm (Quốc hội) thuộc Đảng cầm quyền “Luật pháp vả Công lý” đã hoàn thành dự án luật yêu cầu Nga bồi thường vì “các công dân Xô Viết đã hủy hoại các tài sản và giá trị văn hóa của Ba Lan”.
Tổng số tiền đòi Nga bồi thường cũng rất ấn tượng - 1.000 tỷ Zloty (tương đương khoảng 16.300 tỷ rúp) .
Xin đưa ra một so sánh để dễ hình dung: phần thu nhập trong Ngân sách quốc gia Nga năm 2017 dự tính vào khoảng 13.488 tỷ rúp.
Nguồn: Lê Hùng – Nguyễn Hoàng
Báo Đất Việt