Sự trỗi dậy của các đảng trung hữu và cực hữu trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu gióng lên hồi chuông báo động với nhiều chính phủ hiện tại ở lục địa già.

Cuối tuần qua, hơn 370 triệu cử tri trên khắp Liên minh châu Âu (EU) đã đi bỏ phiếu bầu các nghị sĩ đại diện cho họ tại Nghị viện châu Âu (EP) - một trong hai cơ quan lập pháp cao nhất của EU - gồm 720 ghế. 

Kết quả sơ bộ được hé lộ cho thấy các đảng trung hữu và cực hữu châu Âu sẽ có nhiều ghế, được dự báo làm thay đổi cục diện EU trong vài năm tới.

Sức mạnh của cánh hữu ở châu Âu

Chính trị gia thuộc Đảng Cực hữu AfD ở Đức, ông Oliver Kirchner, từng tự tin tuyên bố rằng sự trỗi dậy của các đảng cực hữu ở châu Âu sẽ khiến các đảng truyền thống phải "tăng mua tã lót". Đúng như các cuộc thăm dò dự đoán, các lực lượng cánh hữu đã giành được nhiều ghế trên toàn EU. 

1 Cuoc Bau Cu Lam Dao Lon Chau Au

Ở Pháp, Đảng Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen thu được gần 1/3 ghế, củng cố vị trí là một trong các đảng cực hữu mạnh nhất trong EP tiếp theo. Tại Ý, Đảng Anh em Ý của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cũng giành được hơn 1/4 số phiếu ủng hộ của cử tri.

Hai nhóm đảng cực hữu trong EP gồm nhóm Bảo thủ và cải cách châu Âu (ECR) và nhóm Bản sắc và dân chủ (ID) dự kiến kiểm soát 131 ghế. Đó là còn chưa tính 15 ghế của Đảng AfD ở Đức, 10 đại diện Đảng Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và gần 10 ghế từ các đảng cánh hữu ở Ba Lan, Bulgaria.

Nếu các đảng cực hữu thành lập một nhóm duy nhất, đây sẽ là lực lượng lớn thứ hai trong nghị viện, sau Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) có truyền thống thống trị nghị trường suốt nhiều năm qua. Sự cạnh tranh và bất đồng giữa các đảng cực hữu khiến kịch bản đó khó xảy ra, nhưng số ghế này sẽ gây áp lực trực tiếp lên chính sách của EU.

Tờ Politico gọi sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu trong cuộc bầu cử lần này là "một khoảnh khắc Donald Trump của châu Âu", ám chỉ chiến thắng họ có thể gây ra nhiều sự thay đổi giống như việc ông Trump đã làm đảo lộn một loạt thứ trong chính trường Mỹ sau chiến thắng năm 2016.

Tuy nhiên, khác với Mỹ, tại châu Âu ngày càng nhiều người trẻ ủng hộ cánh hữu, và họ chứ không phải những người lớn tuổi là cử tri trong nhiều cuộc bầu cử tương lai của EU.

Trong khi cánh hữu có nhiều điểm khác biệt, điểm chung của họ là cách nhìn về thế giới chỉ xoay quanh quốc gia - dân tộc, sự thù địch đối với người di cư, sự hoài nghi đối với các tổ chức siêu quốc gia như EU, Liên Hiệp Quốc và trong một số trường hợp là cả NATO. Cuộc chiến ở Ukraine cũng nằm trong số các vấn đề được dự báo bị ảnh hưởng trước sự trỗi dậy của cánh hữu.

Phong vũ biểu cho chính trị từng nước EU

Giới quan sát nhận định cuộc bầu cử EP lần này giống như một cuộc trưng cầu ý dân ở các quốc gia thành viên. Kết quả của nó đã khiến nhiều chính trị gia châu Âu phải nhìn lại thực tế. Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội sớm để ngăn chặn điều mà ông gọi là làn sóng cực hữu đe dọa nước này.

Với bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận quốc gia Pháp, viễn cảnh giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống chưa bao giờ có vẻ gần gũi đến thế.

Mặc dù bà Le Pen đã lọt vào vòng hai trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 và 2022, bà đã thua với tỉ lệ chênh lệch đáng kể trong cả hai lần trước ông Macron.

2 Cuoc Bau Cu Lam Dao Lon Chau Au

Ăn mừng tại Đảng Nhân dân Đan Mạch thiên về cánh hữu vào ngày 9-6 - Ảnh: REUTERS

Cuộc bỏ phiếu vừa qua cho thấy bà Le Pen chiến thắng trước các ứng cử viên ủng hộ ông Macron, tạo hy vọng về chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2027. Nói như tờ Le Monde, không thể hạ thấp tầm quan trọng của cuộc bầu cử EP và màn trình diễn lần này của bà Le Pen.

Cuộc bỏ phiếu lần này cũng quyết định ai sẽ là chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) tiếp theo. Người đương nhiệm, bà Ursula von der Leyen - một thành viên của EPP - đã kêu gọi xây dựng "pháo đài" để chống lại các hệ tư tưởng cực hữu trong EP.

Kết quả lần này cho thấy bà Ursula von der Leyen có cơ hội để tiếp tục nhiệm kỳ chủ tịch EC nhưng không còn rộng cửa như trước. Ngay cả một số đảng quốc gia thành viên EPP đã tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho bà.

Ngoài ra 5 năm trước, một "làn sóng xanh" trong cuộc bầu cử EP năm 2019 đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo EU khởi động cuộc tái cấu trúc kinh tế theo hướng xanh hơn và giảm tác động đến khí hậu trong phát triển kinh tế.

Theo giới phân tích, một EP thiên về cánh hữu hơn sẽ khiến việc thông qua các chính sách khí hậu đầy tham vọng của EU trở nên khó khăn hơn trong tương lai. Tuy nhiên, phần lớn các chính sách xanh hàng đầu thế giới hiện nay của châu Âu có thể sẽ được giữ nguyên.

EP là gì?

Bầu cử EP diễn ra 5 năm một lần. Toàn bộ các đảng phái chính trị ở 27 nước thành viên EU đều được tham gia tranh cử. Cuộc bầu cử EP năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 9-6.

Về bản chất, EP đóng vai trò giống hạ viện trong một chế độ lưỡng viện, với Hội đồng liên minh châu Âu là thượng viện. Quyền lực lập pháp của hai cơ quan này tương đương nhau.

Mỗi dự luật chung của EU trước tiên đều phải được Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp chung của khối - đề xuất với hai cơ quan lập pháp. Dự luật này sau đó cần có sự thông qua của cả hai cơ quan để có thể thành luật.

Bên cạnh đó, EP còn nắm quyền phủ quyết việc bổ nhiệm chủ tịch Ủy ban châu Âu nói riêng và toàn bộ thành viên của cơ quan này.

NGỌC ĐỨC

DUY LINH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC