Cuộc cách mạng trong tìm kiếm chỗ đỗ xe ô tôỞ các thành phố, nhất là các thành phố lớn, người đi xe ô tô thường phải mất tới 30% thời gian đi đường để tìm kiếm chỗ đỗ xe. Đầu tháng tư tới, tập đoàn công nghệ Siemens sẽ bắt đầu một chương trình thử nghiệm công nghệ tìm chỗ đỗ xe.

 Những người đi xe ô tô ở thành phố thường mất nhiều thời gian và rất bực mình khi phải đi tìm chỗ đỗ xe. Với sự phát triển công nghệ mới, tập đoàn Siemens muốn góp phần giảm thiểu việc lãng phí thời gian, công sức này. Từ đầu tháng 4/2015, tập đoàn này sẽ thử nghiệm trên đoạn đường dài một cây số ở Bundesallee của Berlin. Ông Marcus Zwick, Trưởng phòng đổi mới công nghệ của Siemens tỏ ra tin tưởng rằng công nghệ này sẽ hoạt động có hiệu quả và có thể được đưa vào áp dụng đại trà vào cuối năm nay. Theo công nghệ này, một hộp nhỏ chứa bộ phận cảm ứng radar sẽ được treo ở các cột đèn từ Berlin tới München, từ Luân Đôn tới Dubai, thông qua các chương trình ứng dụng cho điện thoại thông minh (Handy-App) hoặc hệ thống chỉ đường để báo với người lái xe rằng ở đâu đang có chỗ trống có thể đỗ xe.

Ông Zwick nói: „Thực ra, chiếc xe ô tô là một vật thường đứng yên“. Bởi vì trung bình, mỗi ngày ô tô đỗ trong 23 giờ đồng hồ, chỉ chạy một giờ đồng hồ. Công ty Apcoa, công ty quản lý các nhà đỗ xe hàng đầu châu Âu đã điều tra cho biết, trung bình mỗi xe cần tới 10 phút để tìm chỗ đỗ xe, phải chạy tới 4,5 km, gây tốn phí 1,35 Euro và gây ra 1,3 kg khí thải. Gần một phần ba giao thông trong thành phố là đi tìm chỗ đỗ.

Ý tưởng sử dụng công nghệ hiện đại để tìm chỗ đỗ xe không phải là mới. Các đối thủ cạnh tranh đã đưa ra thị trường loại bộ phận cảm ứng chôn dưới đất. Nhưng Siemens cho rằng công nghệ của mình có ưu thế hơn và rẻ hơn: Một bộ phận cảm ứng của Siemens từ trên cao có thể đồng thời ghi nhận được bảy chỗ đỗ xe còn trống. Thêm vào đó khác với bộ phậm cảm ứng chôn dưới đất là không phải bảo dưỡng, không bị phụ thuộc vào thòi tiết và cho phép sử dụng những ứng dụng khác.

Zwick cho biết, bộ phận cảm ứng đó không chỉ báo những chỗ đỗ còn trống, mà cũng có thể báo cho Cơ quan trật tự (Ordnungsamt) biết ai đỗ sai. Ngược lại, hệ thống cũng báo cho người lái xe biết rằng họ đỗ bất hợp pháp. Bộ phận cảm ứng cũng ghi nhận giao thông trôi chảy. Qua đó, hệ thống đó cũng có thể được sử dụng để chỉ bật đèn chiếu sáng đường ban đêm, khi có ô tô hoặc xe đạp đang trên đường.

Zwick nhấn mạnh: „Hệ thống của chúng tôi cũng có khả năng học hỏi“. Qua một thời gian, khi còn ở nhà, hệ thống đã có thể báo trước cho người lái xe về khả năng anh ta tìm được chỗ đỗ ở khu vực nào đó trong thành phố trong khoảng 30 phút nữa chẳng hạn. Khi khởi hành, tới gần nơi muốn đỗ, hệ thống sẽ báo chỗ đỗ cụ thể và là nơi cũng phù hợp với chiều dài xe. Hệ thống chỉ ghi nhận những đồ vật, chứ không ghi nhận con người và số liệu nên không xâm phạm đến đời tư con người.

Tại San Francisco, hệ thống sử dụng bộ phận cảm ứng chôn ngầm dưới đất đã được sử dụng từ năm 2010, góp phần giảm việc đi lại để tìm chỗ đỗ xe tới 43%. Ngoài ra, 30% những người đi lại làm việc hàng ngày biết rẳng không có chỗ đỗ nên đã chuyển sang đi phương tiện công cộng.

Ngoài thử nghiệm ở Berlin, Siemens sẽ tiến hành thử nghiệm ở Dubai và đang tiến hành thương lượng với München và Köln về khả năng đưa vào ứng dụng trong tương lai. Zwick không cho biết chi phí cho việc lắp đặt hệ thống này, nhưng nói rằng các thành phố có khả năng chi trả và chỉ trong thời gian ngắn sẽ hoàn vốn.

 Phương Anh
Theo Văn Long
Thoibao




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC