63% người Đức lo sợ quân đội nước này không có khả năng tự vệ trong trường hợp nổ ra chiến tranh, theo khảo sát công bố ngày 22/3.

Khảo sát đặc biệt do R&V, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất nước Đức với hơn 30 triệu khách hàng, thực hiện cho thấy nỗi sợ chiến tranh của người Đức gia tăng đáng kể sau hơn một năm chiến sự Ukraine bùng phát.

R&V ra đời năm 1922 và đã liên tục thực hiện các cuộc khảo sát thường niên về những nỗi sợ lớn nhất ở Đức. Những cuộc khảo sát như vậy rất quan trọng, do các công ty bảo hiểm phải nắm bắt được những nỗi sợ lớn nhất của khách hàng để xây dựng chính sách đem lại cho họ sự an tâm lớn nhất.

Theo khảo sát mới nhất của R&V, 63% công dân Đức được hỏi lo ngại rằng đất nước sẽ không thể tự vệ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. "Tình trạng tồi tệ của lực lượng vũ trang được phản ánh rõ trong kết quả khảo sát", giám đốc nghiên cứu Grischa Brower-Rabinowitsch nói trong thông cáo báo chí của R&V.

Ông cho biết tỷ lệ người Đức lo ngại đất nước không thể tự vệ tăng 23% so với năm ngoái, mức tăng "cao hiếm thấy trong các cuộc khảo sát".

55% người được hỏi lo sợ rằng Đức sẽ dính líu vào một cuộc chiến tranh, tăng 13% so với năm 2022. Theo Brower-Rabinowitsch, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chiến sự Ukraine đang "làm lung lay cảm giác an toàn của người Đức".

"Nỗi sợ rằng nước Đức có thể trở thành một bên tham chiến chưa bao giờ lớn hơn trong thiên niên kỷ này", ông cảnh báo.

1 Da So Nguoi Duc Lo Dat Nuoc Khong The Tu Ve

Binh sĩ Đức tham gia tập trận Griffin Lightning ở Paprade, Litva, ngày 7/3. Ảnh: AFP.

Tỷ lệ người Đức sợ đất nước tham chiến chỉ cao hơn trong khảo sát của R&V năm 1999, thời điểm xảy ra chiến tranh Kosovo, với 60% số người được hỏi cho biết họ Đức sẽ dính líu vào cuộc xung đột.

Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz năm ngoái công bố ngân sách 100 tỷ euro (107 tỷ USD) cho nỗ lực tăng cường sức mạnh quân đội nước này. Tuy nhiên, Ủy viên phụ trách quốc phòng của quốc hội Đức Eva Hoegl cho biết quỹ này đến nay vẫn chưa được sử dụng.

Bà cho biết quân đội Đức đang "thiếu thốn mọi thứ", thậm chí tệ hơn thời điểm trước khi chiến sự Ukraine bùng phát. Trong khi đó, Đức đã viện trợ nhiều khí tài, đạn dược cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ kho dự trữ đạn của nước này cạn kiệt.

Tháng 10/2022, đại diện các tập đoàn quốc phòng và nghị sĩ quốc hội Đức cảnh báo quân đội chỉ đủ đạn cho hai ngày chiến đấu với cường độ cao, thay vì ít nhất 30 ngày tác chiến theo tiêu chuẩn của NATO.

Đức Trung (Theo AA)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC