Cuộc đàm phán thành lập Chính phủ liên minh tại Đức nhiều khả năng sẽ kéo dài do các bên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Ngày 5/2, Liên đảng Bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel và đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán tái thành lập chính phủ Đại liên minh, bất chấp thời hạn chót đã kết thúc trước đó 1 ngày (4/2).

Vấn đề người lao động và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân vẫn là “rào cản” lớn nhất để các Đảng phái Đức có thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng.

Thời gian một ngày hay phải nhiều hơn nữa để nước Đức có thể trở lại đúng vị thế và vai trò của mình là một đầu tàu của châu Âu.

Hơn 4 tháng trôi qua kể sau cuộc bầu cử tại Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu vẫn đứng trước một cuộc khủng hoảng chính trị khi “không chính phủ”. Điều này đã khiến cho giới đầu tư nước ngoài bắt đầu tỏ ra quan ngại, trong khi “vai trò của Đức” trong Liên minh châu Âu cũng vì thế mà sụt giảm theo.

Đàm phán thành lập Chính phủ Đức: Vì sao lại phải kéo dài? - 0

Ảnh minh họa: Reuters

Liên đảng Bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) từng kỳ vọng có thể tái thành lập “chính phủ Đại liên minh” sau khi các cuộc đàm phán kết thúc ngày 4/2.

Tuy nhiên, điều này đã không thể xảy ra bất chấp quá trình đàm phán giữa hai bên thời gian qua đã đạt được nhiều tiến triển quan trọng trong các vấn đề: người di cư, lương hưu, khí hậu, năng lượng và nông nghiệp. Vấn đề lao động và dịch vụ y tế vẫn đang là những trở ngại giữa hai bên.

Trả lời trước báo giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định, liên đảng bảo thủ của bà sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán cứng rắn và khó khăn với đối tác là đảng trung tả SPD, đồng thời nhấn mạnh cuộc đàm phán nhiều khả năng sẽ kéo dài do vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng cần phải được giải quyết.

“Chúng tôi tập trung tại đây để đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng. Hiện chưa thể nói trước được đàm phán sẽ mất bao lâu thời gian. Hôm qua, các bên đã đạt được một số tiến triển nhưng sẽ vẫn còn một số vấn đề quan trọng cần phải thống nhất”, bà Merkel nói.

Trong khi đó, Chủ tịch đảng SPD Martin Schulz cũng bày tỏ mong muốn tiến trình đàm phán có thể sớm kết thúc, có nghĩa là ngay trong ngày 5/2.

Tuy nhiên, ông Martin Schulz nhấn mạnh, các bên không nên đặt mình dưới áp lực thời gian vì điều này sẽ ảnh hưởng không tốt trong giai đoạn cuối của cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới, nhằm giúp quốc gia đầu tàu kinh tế châu Âu này thoát khỏi tình trạng bế tắc không thể lập được chính phủ kéo dài hơn 4 tháng qua.

“Chúng tôi đang tiếp cận vòng đàm phán cuối cùng của lần đối thoại thành lập liên minh. Tôi rất muốn nói với các bạn rằng, hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của các cuộc đàm phán. Ba Đảng đã đồng ý nhiều vấn đề trong 3 ngày vừa qua. Chúng tôi đã tiến lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, trong các vấn đề xã hội, vẫn còn nhiều điều cần thảo luận”, ông Schulz nói.

Dự kiến, lãnh đạo 3 Đảng sẽ tiếp tục đàm phán vào lúc 10h sáng 5/2 (theo giờ địa phương), tức 16h chiều (theo giờ Việt Nam) tại trụ sở của Đảng trung tả SPD tại Berlin.

Hiện các nhà lãnh đạo Đảng SPD buộc phải đàm phán cứng rắn hơn với Liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi nhiều thành viên Đảng này đã lên tiếng phản đối việc tái thành lập Chính phủ Đại Liên minh lãnh đạo đất nước từ năm 2013.

Kết quả đàm phán sắp tới nếu được các Đảng phái Đức thông qua, cần phải “thuyết phục” được đa số trong khoảng 440.000 thành viên của Đảng SPD trong cuộc trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc sau đó.

Điều này sẽ là một áp lực khiến liên đảng Bảo thủ của Thủ tướng Đức phải “nhượng bộ” nhiều hơn trong cuộc đàm phán cuối cùng này để có thể thành lập được một Chính phủ do bà Merkel làm Thủ tướng.

 

Nguồn: Đình Nam

VOV




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC