Ngày 10/1, các bên tham gia cuộc đàm phán thăm dò thành lập chính phủ mới tại Đức tiếp tục tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề, trong đó đặc biệt là việc ủng hộ loại bỏ các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong.

 

Theo các tài liệu do hãng tin Reuters cung cấp, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đều mong muốn nước Đức đạt được các mục tiêu về khí hậu mà nước này đưa ra thông qua nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm việc khuyến khích sử dụng các phương tiện chạy bằng điện và giao thông công cộng. 

Đàm phán thành lập chính phủ tại Đức tiếp tục tìm được sự đồng thuận - 0

Thủ tướng Đức, người đứng đầu liên minh CDU/CSU, bà Angela Merkel (phải) và lãnh đạo SPD Martin Schulz (trái) trong cuộc gặp tại Berlin ngày 9/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều này cho thấy rõ rằng các chính đảng tham gia đàm phán đều nhất trí loại bỏ các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong.

Ngoài ra, các tài liệu này còn cho thấy liên đảng CDU/CSU và đảng SPD cũng đạt được thỏa thuận sẽ thành lập một trung tâm Đức-Pháp để phát triển trí tuệ nhân tạo. 

 

Như vậy sau 4 ngày diễn ra các cuộc đàm phán thăm dò, các nhà đàm phán thuộc liên đảng CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel và đảng SPD đã đạt được sự đồng thuận chung về một số quy tắc, bao gồm dự luật thu hút lao động nhập cư có tay nghề; bỏ mục tiêu từ nay đến năm 2020 giảm 40% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 1990 và chấp thuận một số biện pháp điều chỉnh về chính sách thuế.

Đây được cho là những tín hiệu tích cực và đáng mừng trong đàm phán thành lập chính phủ liên minh. 

Dự kiến cuộc đàm phán thăm dò giữa liên đảng CDU/CSU và đảng SPD sẽ kết thúc vào ngày hôm nay (11/1).

Tuy nhiên, đây được đánh giá là ngày đàm phán quan trọng nhất khi các bên sẽ tập trung thảo luận và tìm giải pháp chung cho những vấn đề nhạy cảm vốn gây chia rẽ từ trước đến nay, đồng thời cũng là căn cứ để các bên đưa ra quyết định xem liệu có thể tiến tới các cuộc đàm phán chính thức thành lập một chính phủ mới tại Đức hay không. 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Michael Grosse-Brömer, lãnh đạo nhóm bảo thủ trong Quốc hội cho biết cuộc đàm phán trong ngày cuối cùng này sẽ rất khó khăn, song ông vẫn bày tỏ lạc quan khi tin tưởng rằng các bên có thể đạt được thỏa thuận.

Trong khi đó, ông Peter Ramsauer, một thành viên thuộc đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đảng chị em với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel nhận định có 70% cơ hội các chính đảng sẽ đạt thỏa thuận theo đuổi các cuộc đàm phán chính thức. 

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của châu Âu, Đức là yếu tố quyết định đến tương lai của khu vực. Hiện các đối tác của Đức đang chờ đợi nước này có thể sớm thành lập chính phủ mới để giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán Brexit, cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và các sáng kiến ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU).

Dự kiến, sau khi các cuộc đàm phán thăm dò kết thúc, ngày 21/1 tới, lãnh đạo đảng SPD sẽ tiến hành bỏ phiếu lấy ý kiến các thành viên trong đảng về việc đảng này liệu có tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán chính thức với liên đảng CDU/CSU về việc thành lập chính phủ liên minh nữa hay không.

Hiện trong nội bộ lãnh đạo đảng SPD đang có nhiều ý kiến không muốn tiếp tục khởi động "đại liên minh" với liên đảng bảo thủ CDU/CSU vì lo ngại điều này sẽ làm giảm tính đồng nhất của đảng, đồng thời sẽ tạo cơ hội để đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trở thành đảng đối lập chính trong Quốc hội Đức. 

Nếu các cuộc đàm phán lần này thành công, một chính phủ mới sẽ có thể được thành lập trước lễ Phục sinh.

Trong trường hợp ngược lại, nước Đức sẽ hoặc phải đối mặt với các cuộc bầu cử mới, hoặc lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai sẽ phải nằm dưới sự điều hành của một chính phủ thiểu số do bà Merkel lãnh đạo.

 

TTXVN/Báo Tin tức




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC