Cuối tuần qua, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới vẫn cao, người dân ở nhiều nước châu Âu gồm Bỉ, Hà Lan, Ý, Áo, Cộng hòa Czech… rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế kiểm soát dịch.

Theo Hãng tin Reuters, khoảng 35.000 người đã xuống đường biểu tình ở trung tâm thủ đô Brussels của Bỉ trong ngày 21-11. Tình trạng bạo động xuất hiện vào cuối cuộc biểu tình. Hàng trăm người bắt đầu tấn công cảnh sát, đập phá xe cộ, đốt các thùng rác bên đường.

Cảnh sát phải bắn đạn hơi cay và dùng vòi rồng để ổn định trật tự.

Đài BBC cho biết lý do họ tức giận chủ yếu đến từ việc Bỉ xét chứng nhận đã tiêm vắc xin. Quy định này khiến những người không tiêm không thể vào một số nơi như nhà hàng, quán bar.

Theo báo Brussels Times, do số ca nhiễm COVID-19 tăng, trung bình khoảng 13.826 ca dù chỉ có khoảng 11,7 triệu dân, các biện pháp kiểm soát mới được áp dụng từ 7h ngày 20-11.

Người từ 10 tuổi trở lên tại Bỉ bắt buộc phải đeo khẩu trang ở các cửa hàng, trung tâm mua sắm, thư viện, các địa điểm văn hóa, thể thao, tôn giáo, khi sử dụng giao thông công cộng…

Người dân được khuyến khích làm việc tại nhà. Chính quyền còn dự định sẽ bắt buộc tiêm vắc xin với nhân viên y tế.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuần qua cho biết châu Âu hiện là tâm dịch COVID-19 toàn cầu và là khu vực duy nhất có số người tử vong do COVID-19 gia tăng.

Số người nhiễm cao hiện đang gây ra áp lực lớn với các bệnh viện ở nhiều quốc gia tại Trung và Đông Âu như Ukraine, Nga, Romania, Cộng hòa Czech, Slovakia…

Không chỉ ở Bỉ, trong những ngày qua, nhiều cuộc biểu tình phản đối các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 nổ ra ở khắp châu Âu.

1 Dan Chau Au Bieu Tinh Phan Doi Cac Lenh Han Che Covid 19 Moi

Theo Reuters, đến ngày 21-11 là ngày thứ 3 liên tiếp biểu tình nổ ra ở Hà Lan. Có 5 cảnh sát ở Hà Lan bị thương và ít nhất 64 người bị bắt trong các cuộc biểu tình bạo lực vì phản đối các hạn chế vì COVID-19.

Hà Lan áp dụng lại một số biện pháp phong tỏa từ ngày 13-11 trong thời hạn ba tuần để làm chậm sự lây lan của virus, nhưng số ca nhiễm hằng ngày của nước này vẫn ở mức cao nhất kể từ khi dịch bắt đầu.

Chính phủ yêu cầu siết chặt việc xét chứng nhận vắc xin, chỉ chấp nhận những người đã tiêm vắc xin hoặc đã khỏi COVID-19 mà không chấp nhận cho người có kết quả xét nghiệm âm tính vào một số địa điểm.

Theo BBC, hàng chục ngàn người Áo đã xuống đường ở thủ đô Vienna phản đối việc chính quyền áp dụng phong tỏa toàn quốc từ ngày 22-11 trong 20 ngày và kế hoạch bắt buộc tiêm vắc xin từ tháng 2-2022.

Ở Croatia, hàng ngàn người tuần hành ở thủ đô Zagreb, để phản đối quy định bắt buộc tiêm vắc xin với người làm trong lĩnh vực công.

Tại Ý, vài ngàn người biểu tình tập trung ở di tích trường đua Circus Maximus ở Rome phản đối việc kiểm tra chứng nhận vắc xin "Green Pass". Chứng nhận này được yêu cầu ở cơ quan công sở, trên phương tiện công cộng và nhiều nơi khác.

Châu Âu có tỉ lệ tiêm vắc xin cao hàng đầu thế giới. Các chuyên gia cho rằng dù số ca nhiễm mới tăng cao ở khu vực này nhưng chắc chắn là vắc xin vẫn có tác dụng.

Tuy nhiên, chỉ tiêm vắc xin là không đủ mà cần sự kết hợp của các biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả khác, như đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC