Cảnh sát Đức bố ráp một địa điểm nghi của nhóm buôn người và đưa người di cư bất hợp pháp vào nước này - Ảnh: DPA
Theo Hãng thông tấn AFP, các công tố viên Đức xác định những kẻ cầm đầu mạng lưới buôn người nói trên là một cặp luật sư. Hai người này bắt "những công dân giàu có của Trung Quốc và thế giới Ả Rập" phải trả 30.000 đến 350.000 euro/người để được thường trú tại Đức.
Những giấy phép cư trú được cấp bởi các quan chức bốn quận, bao gồm các thành phố Kerpen và Solingen phía tây Đức.
Hơn 1.000 cảnh sát đã được huy động để khám xét 101 ngôi nhà trên khắp nước Đức trong ngày 17-4. Những nơi bị khám xét có cả trụ sở hai cơ quan tư pháp và văn phòng quận có quyền cấp giấy phép cư trú.
Trong số 10 nghi phạm bị bắt có một quan chức được cho đã nhận hối lộ từ mạng lưới đưa người nhập cư lậu nói trên.
Cảnh sát đang điều tra 38 thành viên bị tình nghi thuộc băng nhóm trên, cũng như 147 người được cho đã trả tiền cho chúng.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nhấn mạnh "áp lực cao" như vậy là cần thiết với các băng nhóm tội phạm.
Đức đang nỗ lực trấn áp các nhóm buôn người, đưa người nhập cư trái phép vào nước này. Phần lớn trong số người muốn vào Đức và châu Âu đang chạy trốn xung đột ở Trung Đông hoặc châu Phi.
Ngày 13-4, bà Faeser cho biết trong vòng 6 tháng qua, nước này đã ngăn chặn khoảng 17.600 người nhập cư bất hợp pháp, bắt hơn 700 đối tượng buôn người.
Chính phủ Đức đang áp dụng các biện pháp kiểm soát tạm thời tại biên giới với một số nước láng giềng. Berlin dự định mở rộng việc áp dụng trên toàn biên giới của nước này với láng giềng khi Đức là chủ nhà Giải vô địch bóng đá châu Âu vào tháng 6 tới.
Tuần trước, Quốc hội Đức cũng đã chấp thuận trả trợ cấp cho những người xin tị nạn bằng thẻ thanh toán thay vì tiền mặt.
Theo Đài DW, động thái nhằm ngăn chặn người di cư sử dụng tiền trợ cấp này để trả cho những kẻ đưa người trái phép hoặc chuyển tiền về cho gia đình ở nước ngoài. Trước đó, một số chính trị gia lo ngại rằng người di cư bị thu hút tới Đức vì những khoản phúc lợi xã hội.
Theo dữ liệu từ nhà chức trách Đức, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, hơn 71.000 người đã nộp đơn xin tị nạn ở nước này, ít hơn gần 10.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.
DUY LINH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online