Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa), lãnh đạo đảng CSU Horst Seehofer (trái) và lãnh đạo đảng SPD Martin Schulz (phải) tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 12/1 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo đánh giá của giới phân tích, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với tương lai đời sống chính trị của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Đại hội lần này, lãnh đạo và các thành viên của đảng SPD sẽ cùng thảo luận và tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận sơ bộ mà các bên đã đạt được thông qua các cuộc đàm phán thăm dò vừa qua về việc thành lập chính phủ liên minh với liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, SPD phải tổ chức một đại hội toàn quốc để lấy ý kiến của các thành viên trong đảng xem có tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán chính thức thành lập chính phủ đại liên minh với liên đảng CDU/CSU hay không.
Hiện trong nội bộ SPD đang có sự chia rẽ sâu sắc về phương hướng hoạt động, đặc biệt sau thất bại nặng nề của đảng này trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9/2016 vừa qua.
Thất bại lịch sử này đã khiến SPD tuyên bố trở thành đảng đối lập trước khi phải chịu nhiều sức ép và miễn cưỡng quay trở lại đàm phán thành lập chính phủ liên minh với liên đảng CDU/CSU.
Đây cũng là giải pháp được mong đợi nhất trong bối cảnh nước Đức đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, đặc biệt khi Thủ tướng Angela Merkel thất bại trong các cuộc đàm phán thành lập chính phủ với hai đảng nhỏ là đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP).
Dự kiến, văn kiện này cần phải nhận được sự chấp thuận của 600 đại biểu tham dự đại hội đảng bất thường của SPD trong ngày hôm nay và sau đó phải tiếp tục "vượt ải" hơn 400.000 đảng viên trong cuộc trưng cầu trên toàn nước Đức.
Chỉ khi đó, lãnh đạo SPD mới có thể tiếp tục hướng tới các cuộc đàm phán chính thức với liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel về việc thành lập một chính phủ liên minh mới.
Trong trường hợp các đảng viên SPD tham dự đại hội bỏ phiếu ủng hộ, thỏa thuận sơ bộ cuối cùng sẽ được thông qua, SPD và liên đảng CDU/CSU sẽ chính thức bước vào các cuộc đàm phán thành lập chính phủ đại liên minh mới, mở ra cơ hội đưa nền kinh tế đầu tàu châu Âu thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị hiện nay.
Tuy nhiên, nếu thỏa thuận bị bác bỏ, nước Đức sẽ lại rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà theo như ông Horst Seehofer, Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đảng đồng minh thân cận với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel, từng cảnh báo "đây sẽ làm một thảm họa chính trị cho nước Đức."
Lúc đó, nước Đức sẽ còn hai lựa chọn, hoặc là thành lập một chính phủ thiểu số do Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu, hoặc tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Chính vì có ý nghĩa quan trọng đến tương lai đời sống chính trị như vậy, bản thân Chủ tịch SPD Martin Schulz cũng đã có các chuyến đi tới bang Bayern và Rheinland Pfalz để vận động các thành viên SPD ủng hộ bản thỏa thuận sơ bộ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel, đại diện cho liên đảng CDU/CSU cùng Nhóm hiệp đoàn lớn nhất của Đức, đại diện cho 6 triệu người lao động, cũng lên tiếng yêu cầu các thành viên của đảng SPD cân nhắc và lựa chọn "có trách nhiệm" với nước Đức trong cuộc bỏ phiếu ngày 21/1.
Hôm 12/1 vừa qua, sau năm ngày tiến hành các cuộc đàm phán thăm dò, lãnh đạo liên đảng CDU/CSU và đảng SPD đã đạt được tiến triển "mang tính đột phá" với thỏa thuận dài 28 trang về những nguyên tắc cơ bản để bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập một chính phủ đại liên minh mới trong vài tuần tới.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong thỏa thuận sơ bộ này là hai bên nhất trí cam kết "hợp tác chặt chẽ với Pháp để cải tổ và củng cố Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một cách bền vững, nhằm giúp toàn liên minh ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng như thống nhất mức trần người tị nạn tối đa mà nước Đức có thể tiếp nhận hàng năm là 220.000 người.
Nguồn: Vietnam+