Ảnh: Internet
Israel gọi đây là sự kiện "lịch sử" nhưng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.
Ông Trump nói Mỹ vẫn ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho xung đột giữa Israel và người Palestine.
Nhưng ông nói việc công nhận thủ đô Israel là "bước đi phải làm từ lâu".
"Hôm nay, chúng tôi rốt cuộc thừa nhận điều rõ ràng: rằng Jerusalem là thủ đô Israel."
"Đây chỉ là thừa nhận thực tế. Đây cũng là điều đúng phải làm," ông Trump tuyên bố tại Nhà Trắng hôm 6/12.
Lãnh đạo người Palestine Mahmoud Abbas lên án, nói Mỹ không còn có thể là phía giúp đàm phán hòa bình.
Người Palestine xem Đông Jerusalem là thủ đô cho một nhà nước tương lai.
Theo hiệp định hòa bình Israel-Palestine 1993, quy chế của Jerusalem sẽ chỉ được bàn sau này.
Quốc tế lâu nay không công nhận chủ quyền của Israel với Jerusalem, và mọi quốc gia - kể cả Mỹ - vẫn đặt sứ quán ở Tel Aviv.
Tại Nhà Trắng hôm 6/12, ông Trump tuyên bố việc công nhận phù hợp với "lợi ích của Mỹ, và sự theo đuổi hòa bình giữa Israel và người Palestine".
Ông nói bộ ngoại giao Mỹ sẽ bắt đầu chuẩn bị chuyển sứ quán sang Jerusalem.
Cuộc chiến sáu ngày làm thay đổi Trung Đông
Phản ứng
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh tuyên bố và nói Israel biết ơn Tổng thống Trump.
Còn lãnh đạo người Palestine, ông Mahmoud Abbas, nói Jerusaelm là "thủ đô vĩnh cửu của nhà nước Palestine".
Phong trào Hồi giáo Hamas tuyên bố quyết định của ông Trump sẽ "mở ra cánh cửa địa ngục" cho lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Thế giới Hồi giáo, kể cả những nước đồng minh của Mỹ, đã phản đối.
Vua Salman của Ả Rập Saudi nói việc này sẽ "khiêu khích người Hồi giáo toàn thế giới".
Thủ tướng Anh Theresa May nói bà không đồng tình với Mỹ, một quyết định mà bà nói "không có lợi cho triển vọng hòa bình khu vực".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói Pháp không ủng hộ và kêu gọi bình tĩnh.
Kênh CNN của Mỹ dẫn nguồn "các viên chức cao cấp" nói rằng có sự chia rẽ trong cố vấn chính phủ Mỹ.
Theo các nguồn này, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis, Giám đốc CIA Mike Pompeo và Ngoại trưởng Rex Tillerson không đồng tình. Nhưng Phó tổng thống Mike Pence, Đại sứ ở LHQ Nikki Haley và Đại sứ Mỹ ở Israel David Friedman ủng hộ việc công nhận.
Những điều cần biết về quyết định công nhận Jerusalem của Mỹ
Một phần Cổ thành Jerusalem với Mái vòm Đá của điện thờ Hồi giáo trên Núi Đền, ngày 5 tháng 12, 2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm gì liên quan tới Israel?
Ông Trump dự định dời đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, nhưng việc này có thể mất đến hai năm. Luật của Mỹ quy định tổng thống ký sắc lệnh đặc miễn sau mỗi sáu tháng xác định đại sứ quán vẫn đặt tại Tel Aviv.
Tuần này, ông Trump lỡ mất thời hạn 6 tháng gần đây nhất, nhưng các quan chức Mỹ nói rằng ông sẽ ký vào sắc lệnh đặc miễn và cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao bắt đầu tiến trình dời đại sứ quán.
Tại sao ông Trump công nhận Jerusalem?
Ông Trump đang hoàn thành một lời hứa lúc vận động tranh cử rằng ông sẽ dời đại sứ quán Mỹ ở Israel về Jerusalem. Ông theo đuổi lập trường ủng hộ Israel mạnh mẽ khi còn là ứng cử viên để lấy lòng cơ sở ủng hộ lớn của ông là những người theo phái Phúc Âm và những người Mỹ gốc Do Thái ủng hộ Israel.
Lời hứa của ông Trump rất được lòng hai nhóm cử tri đó, bao gồm cả ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson, người đã quyên góp 25 triệu đôla cho một ủy ban hành động chính trị ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử.
Các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng việc công nhận Jerusalem là thừa nhận "thực tế lịch sử và hiện trạng" của Jerusalem.
Vì sao Jerusalem, lâu nay là nguồn gốc của tranh cãi quyết liệt, lại quan trọng như vậy?
Người Israel và người Palestine đều tuyên bố Jerusalem thuộc về họ. Thành phố này cũng là nơi Israel đặt chính quyền của mình. Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của họ trong khi người Palestine xem khu vực phía đông thành phố, bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, là thủ đô của một nhà nước Palestine tương lai.
Xung đột tập trung vào Cổ thành Jerusalem, nơi có điện thờ thiêng liêng thứ ba của Hồi giáo và địa điểm thiêng liêng nhất của Do thái giáo. Thành phố này lâu nay đã là một vấn đề gây tranh cãi đối với người Do Thái và người Hồi giáo khắp thế giới.
Mặc dù Israel kiểm soát thành phố, việc Israel sáp nhập đông Jerusalem không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Cộng đồng quốc tế muốn cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên này được giải quyết tại bàn đàm phán.
Jerusalem cũng là nơi có Nhà thờ Mộ Thánh, được xây dựng tại nơi mà nhiều Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh và được chôn cất.
Các giáo phái Công giáo Armenia và Công giáo Roma và Chính thống giáo Hy Lạp chia nhau quyền trông coi nhà thờ này, nơi căng thẳng thường bùng lên về quyền kiểm soát những khu vực khác nhau.
Những hệ quả tiềm năng là gì?
Quyết định của ông Trump đảo ngược chính sách đối ngoại gần 70 năm qua của Mỹ và các nhà phân tích cảnh báo rằng nó có thể đe dọa những nỗ lực điều giải một thỏa thuận hòa bình giữa người Israel và người Palestine.
Các nhà lãnh đạo Ả-rập cảnh báo rằng nó có thể khơi mào các vụ bộc phát bạo lực mới, và Nhà Trắng đang chuẩn bị cho viễn cảnh này bằng cách điều phối các kế hoạch bảo vệ công dân Mỹ ở nước ngoài.
Các quan chức an ninh Israel nói họ đã chuẩn bị cho mọi tình huống.
Ngoài việc khiến các đồng minh quan trọng trong thế giới Ả-rập tức giận, bước đi này cũng đe dọa làm các đồng minh phương Tây của Mỹ giận dữ.
Nguồn: BBC Vietnamese, VOA