Giới chức Đức ngày 25/2 thông báo hiện có trên 130.000 người tị nạn "biến mất" và các trường hợp này chưa bao giờ tới các cơ sở tiếp nhận tị nạn được phân bổ.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ liên bang Đức, khoảng 13% số người đã đăng ký tị nạn trong năm 2015 không tới các cơ sở tị nạn được phân bổ.
Như vậy, trong số 1,1 triệu người tị nạn đăng ký lần đầu tiên qua hệ thống đăng ký tị nạn Easy, có trên 130.000 người không ở các cơ sở tị nạn mà họ được phân.
Giới chức Đức cho rằng có thể các trường hợp này đã tiếp tục hành trình tới một nước khác để xin tị nạn.
Số liệu này đặt ra những thách thức cho giới chức Đức trong việc đăng ký, quản lý và phân bổ người tị nạn.
Trong khi đó, Đức ngày càng khó hợp tác với các nước châu Âu khác trong việc đưa người tị nạn ngược trở lại các nước đó.
Theo quy định trong Hiệp định Dublin, mỗi nước thành viên phải có trách nhiệm với người tị nạn đặt chân đầu tiên tới nước đó, và trong đa số trường hợp, các nước đầu tiên mà người tị nạn đặt chân tới EU là Hy Lạp, Italy hay Hungary.
Trong năm 2015, Đức đã đề nghị các nước EU khác tiếp nhận khoảng 45.000 người tị nạn, song chỉ khoảng 3.600 người trong số này được chấp thuận.
Ngược lại, các nước EU khác lại đưa trở lại Đức khoảng 3.000 người tị nạn. Như vậy, về tương quan, chỉ có khoảng 600 người tị nạn được phân bổ từ Đức tới các nước EU khác./.
Vietnam+