Máy bay chiến đấu phản lực MiG-29. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius cho biết Berlin nhận được yêu cầu từ Ba Lan cho phép họ chuyển tiêm kích cho Ukraine hôm 12/4 và đã ngay lập tức chấp thuận. Theo ông Pistorius, việc nhanh chóng chấp thuận đề nghị của Ba Lan thể hiện mức độ đáng tin cậy của Đức.
Pistorius trước đó thông báo Ba Lan đề nghị Berlin cho phép xuất khẩu 5 tiêm kích MiG-29 cũ để tăng cường sức mạnh cho không quân Ukraine. Chính phủ Đức quyết định đồng ý với đề xuất này sau khi tham khảo ý kiến Bộ Quốc phòng, Thủ tướng và các bên liên quan khác.
Tổng cộng, Ba Lan đã mua 45 máy bay chiến đấu MiG từ năm 1989 đến năm 2004: 23 chiếc từ kho dự trữ của Đức, 12 chiếc từ Liên Xô và 10 chiếc từ Cộng hòa Séc. Hiện tại, 28 chiếc MiG vẫn đang được sử dụng.
Ngày 23/3, Slovakia đã bàn giao 4 máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine, trở thành quốc gia NATO đầu tiên cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev. Ba Lan đã giao 8 chiếc và sẵn sàng cung cấp thêm 6 chiếc nữa.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda không loại trừ khả năng trong tương lai Warsaw có thể chuyển giao toàn bộ phi đội MiG-29 của mình cho Ukraine, nhưng điều này cần có sự đồng ý của các đồng minh của Ba Lan.
Trong chuyến thăm Ba Lan tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Warsaw sẽ giúp thành lập liên minh các cường quốc phương Tây để cung cấp chiến đấu cơ cho Kiev. Ukraine, quốc gia hy vọng sẽ tiến hành một cuộc phản công trong vài tuần hoặc vài tháng tới, muốn có thêm tiêm kích để chống lại các cuộc không kích của Nga.
Không quân Ukraine tin rằng việc cung cấp cho nước này các máy bay chiến đấu MiG-29 hiện đại hóa của Liên Xô sẽ giúp ích rất nhiều, nhưng không có khả năng tạo ra tác động thay đổi ở mặt trận, vì những máy bay phản lực này không được trang bị radar trên máy bay và không thể phóng tên lửa hiện đại. Lực lượng Không quân liên tục nói rằng Ukraine cần các máy bay chiến đấu tối tân hơn của phương Tây để chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT