Quốc hữu hóa hãng khí đốt Uniper là giải pháp được Đức cân nhắc trong bối cảnh hãng khí đốt khổng lồ này đang tìm kiếm trợ giúp.

1 Duc Can Nhac Dong Thai Lich Su De Cuu Hang Khi Dot Khong Lo

Đức có thể tăng cổ phần trong hãng khí đốt Uniper lên trên 50%. Ảnh: AFP

Chính phủ Đức có thể tăng cổ phần trong Uniper lên trên 50% và sẵn sàng thực hiện động thái lịch sử là quốc hữu hóa hoàn toàn hãng nhập khẩu khí đốt lớn nhất đất nước nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống năng lượng, Bloomberg đưa tin. 

Hãng khí đốt Uniper cần sự giúp đỡ nhiều hơn từ nhà nước sau khi được tiếp cận gói hỗ trợ trị giá khoảng  20 tỉ euro (20 tỉ USD), theo nhiều nguồn tin. 

Giá khí đốt tăng vọt và Nga cắt giảm nguồn cung gây thiệt hại hàng triệu USD hàng ngày khiến chính phủ Đức phải vào cuộc với một gói giải cứu hồi tháng 7, trong đó bao gồm 30% cổ phần của công ty. 

Thủ tướng Olaf Scholz sẵn sàng bơm thêm vốn và tăng thêm cổ phần của nhà nước Đức lên trên ngưỡng 50%, nguồn tin giấu tên nói. 

Việc quốc hữu hóa hoàn toàn Uniper cũng đang được thảo luận và công ty mẹ của Uniper  -  Fortum Oyj của Phần Lan - sẽ được lên tiếng trong vấn đề này.

Cuộc đàm phán với chính phủ Phần Lan, bên sở hữu đa số của Fortum Oyj, cũng đang diễn ra. Đức trước đó cho biết không sẵn lòng mua cổ phần của Phần Lan. 

Uniper xác nhận ngày 14.9 rằng, một trong những phương án đang được thảo luận là chính phủ Đức kiểm soát "đa số đáng kể" cổ phần của công ty.

2 Duc Can Nhac Dong Thai Lich Su De Cuu Hang Khi Dot Khong Lo

Quốc hữu hóa hãng khí đốt Đức Uniper đang được giới chức thảo luận. Ảnh: AFP

Fortum ra thông cáo cùng ngày cho biết, chưa có quyết định nào được đưa ra “ngoài những gì đã được nhất trí trong gói bình ổn hồi tháng 7" và "các giải pháp thay thế" đang được xem xét.

“Môi trường hoạt động đang xấu đi và tình hình tài chính của Uniper phải được tính đến trong khi Fortum, chính phủ Đức và Uniper tiếp tục thảo luận về một giải pháp lâu dài" - Fortum nhấn mạnh.

Cũng thông tin về Uniper, Reuters cho hay, các nhà phân tích tại Bernstein ước tính, hãng có thể cần thêm 4,5 tỉ euro vốn bổ sung. Khi khoản vốn này được bổ sung, cổ phần nhà nước ở Uniper sẽ lên 88% và tỉ lệ của Fortum từ 78% hiện nay giảm xuống còn 8%. Nguồn tin nói rằng, nhu cầu vốn bổ sung của Uniper có thể lên tới 8 tỉ euro.

Quốc hữu hóa là giải pháp duy nhất còn lại, vốn của Uniper hoàn toàn cạn. Về cơ bản, không thể làm gì khác được, nguồn tin lưu ý.

Đức quyết tâm bảo đảm sự tồn tại của hãng khí đốt khổng lồ Uniper trong những tháng tới khi cuộc khủng hoảng năng lượng có thể tồi tệ hơn bởi mùa đông đến. Việc Nga cắt nguồn cung khí đốt buộc nhà nhập khẩu Đức phải mua khí đốt trên thị trường giao ngay đắt đỏ để đảm bảo các hợp đồng, đẩy công ty tới bờ vực mất khả năng thanh toán. 

Giá khí đốt tương lai đang cao hơn khoảng 3 lần so với một năm trước đó khi Nga đáp trả các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt với nước này sau xung đột Ukraina. Giá năng lượng tăng tạo sức ép với các công ty năng lượng, với những lệnh gọi ký quỹ tăng lên mức không bền vững.

VNG AG - công ty con thuộc hãng năng lượng EnBW AG của Đức - và một nhà nhập khẩu khí đốt lớn khác đã nộp đơn xin hỗ trợ của chính phủ từ tuần trước.

Giám đốc điều hành Uniper Klaus-Dieter Maubach cảnh báo trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tuần trước rằng, thiệt hại do mua hàng thay thế khí đốt Nga có thể đạt đến giới hạn 7 tỉ euro (7 tỉ USD) trong tháng này. Điều này sẽ buộc chính phủ phải can thiệp một lần nữa.

Gói bình ổn của chính phủ Đức bao gồm khoản hỗ trợ trị giá 7 tỉ euro để đảm bảo cho công ty cho đến quý IV nhưng việc đạt đến giới hạn này chắc chắn sẽ đến sớm hơn, Maubach thông tin bên lề một hội nghị ở Milan, Italia. 

Gói viện trợ mà chính phủ Đức đề xuất vào tháng 7 vẫn cần phải ký kết, sau đó cần được Liên minh Châu Âu (EU) thông qua. Thỏa thuận bao gồm chứng khoán chuyển đổi bắt buộc trị giá 7,7 tỉ euro cũng như hạn mức tín dụng 9 tỉ euro từ ngân hàng phát triển nhà nước KfW. Hãng khí đốt Uniper đang muốn tăng khoản hạn mức tín dụng lên 13 tỉ euro.

Nguồn: Báo Lao Động




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC