Đức có thể cấm Huawei, ZTE của Trung Quốc tham gia mạng 5G (Ảnh: Ascannio/ Shutterstock)
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ hôm Thứ Ba (7/3) xác nhận, chính phủ Đức đang tiến hành đánh giá chung các nhà cung cấp công nghệ viễn thông, nhưng nói rõ điều này không nhắm vào các nhà sản xuất cụ thể.
Chính phủ Đức, đang trong quá trình đánh giá lại quan hệ của họ với đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc, đã tỏ ra thận trọng với việc loại trừ Huawei một cách rõ ràng, mặc dù luật pháp cho phép họ làm như vậy với công ty này.
Một báo cáo của Bộ Nội vụ về đánh giá mà Reuters có được cho hay, một nhà cung cấp cụ thể có thể bị cấm cung cấp các thành phần quan trọng nếu nhà cung cấp đó bị chính phủ của một quốc gia khác kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner nói với Welt TV: “Chúng tôi không thể phụ thuộc vào các thành phần của các nhà cung cấp riêng lẻ.”
Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ, việc xem xét có thể dẫn đến việc Đức yêu cầu các nhà khai thác loại bỏ và thay thế các bộ phận đã được tích hợp sẵn trong mạng, đồng thời cho biết thêm, luật hiện hành không dự kiến khoản bồi thường cho họ.
“Đây là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Đức cuối cùng có thể đang xem xét các rủi ro liên quan đến Trung Quốc đối với an ninh quốc gia một cách nghiêm túc,” theo Noah Barkin, biên tập viên quản lý của công ty nghiên cứu Trung Quốc Rhodium Group, chuyên về quan hệ Đức-Trung.
“Nhưng sau nhiều năm quan hệ, mạng 5G của Đức phụ thuộc sâu sắc vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Sẽ mất nhiều năm để giải quyết vấn đề này.”
Những người chỉ trích Huawei và ZTE nói rằng mối liên hệ chặt chẽ của họ với các dịch vụ bảo mật của Bắc Kinh có nghĩa là việc nhúng chúng vào các mạng di động phổ biến trong tương lai có thể giúp gián điệp Trung Quốc và thậm chí cả những kẻ phá hoại tiếp cận cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Huawei, ZTE và chính phủ Trung Quốc bác bỏ những luận điểm này, khẳng định đây là động thái được thúc đẩy để hỗ trợ các đối thủ không phải người Trung Quốc.
Đề cập đến các báo cáo trên phương tiện truyền thông Đức về một lệnh cấm có thể xảy ra, Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức nêu rõ trong một tuyên bố Bắc Kinh sẽ “rất khó hiểu và rất không hài lòng” nếu bất kỳ quyết định nào như vậy được đưa ra.
Đáp lại yêu cầu bình luận của Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng Đức sẽ “đưa ra quyết định độc lập phù hợp với lợi ích của chính mình, mô hình kinh tế và các quy tắc quốc tế mà không nhận được sự can thiệp từ bên thứ ba.”
Bắc Kinh thường ám chỉ hoặc gần như nói thẳng rằng các quyết định có tính thù địch đối với họ của các nước châu Âu là do áp lực từ Hoa Kỳ.
Người phát ngôn của Huawei lưu ý, họ không bình luận về suy đoán này, và Huawei tuyên bố họ có “thành tích bảo mật rất tốt” trong suốt 20 năm cung cấp công nghệ cho Đức và phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, phát ngôn viên của ZTE cho hay, không có bằng chứng nào cho thấy sản phẩm của họ không an toàn, nhưng họ hoan nghênh sự giám sát từ bên ngoài.
Khi được hỏi về lệnh cấm tiềm năng, hai trong số các nhà khai thác viễn thông hàng đầu của Đức là Deutsche Telekom và Vodafone Germany, cho biết họ tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành nhưng không phản hồi các đồn đoán chính trị.
Hiện trạng
Trong khi một số quốc gia trên khắp châu Âu vẫn đang xây dựng chính sách viễn thông, cho đến nay chỉ có Anh và Thụy Điển cấm Huawei và ZTE cung cấp thành phần thiết bị 5G quan trọng.
Đức đã thông qua luật bảo mật CNTT vào năm 2021, đặt ra những rào cản lớn đối với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông cho các mạng thế hệ tiếp theo, nhưng không cấm Huawei và ZTE như một số quốc gia khác đã làm.
Một báo cáo mới cho thấy Đức thực sự đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Huawei về thiết bị mạng truy cập vô tuyến (RAN) 5G so với mạng 4G, mặc dù các nhà khai thác đã tránh sử dụng công nghệ của hãng này cho các mạng lõi.
Tháng trước, chính phủ Đức đã không thể trả lời yêu cầu của quốc hội về việc có bao nhiêu nhà khai thác linh kiện Huawei đang sử dụng trong mạng 5G của họ, một phần đã được đệ trình để phản hồi báo cáo.
Ông Benner nói: “Thật đáng lo ngại khi chính phủ chỉ mới bắt đầu lập bản đồ kỹ lưỡng về nơi các nhà khai thác sử dụng các thành phần của Huawei và ZTE và họ không có thông tin đó trong thời gian thực.”
Cơ quan quản lý viễn thông của Thụy Điển PTS, vào năm 2020 đã cấm các công ty Trung Quốc triển khai 5G, đã cho phép các nhà khai thác viễn thông tham gia đấu giá 5G cho đến ngày 1/1/2025 để loại bỏ thiết bị từ Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng và các chức năng cốt lõi của họ.
Trong khi đó, Anh muốn các công ty viễn thông loại bỏ thiết bị và dịch vụ khỏi Huawei trong các chức năng mạng cốt lõi trước ngày 31/12/2023, so với mục tiêu ban đầu là ngày 28/1/2023.
Hạn chót để loại bỏ tất cả các thiết bị Huawei khỏi mạng 5G của Anh vào cuối năm 2027, vẫn không thay đổi.
Nhật Tân (T/h)