Ông Olaf Scholz, bộ trưởng Tài chính, sẽ trở thành thủ tướng Đức sau khi các bên đạt thỏa thuận thành lập liên minh - Ảnh: REUTERS
Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của ông Scholz đã sắp xếp để tiến hành họp báo vào lúc 19h tối 24-11 (giờ Việt Nam) để trình bày kết quả vòng đàm phán cuối về việc thành lập liên minh với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP).
Với thỏa thuận này, đây là lần thành lập chính phủ liên bang ba bên đầu tiên ở Đức kể từ những năm 1950 và kết thúc 16 năm của chính phủ bảo thủ do bà Merkel lãnh đạo. Ông Olaf Scholz sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho quan hệ của Đức với châu Âu và phần còn lại của thế giới.
Trong ngày 24-11, chủ trì cuộc họp nội các cuối cùng, bà Merkel đã nói lời chia tay. Những người dự họp cho biết ông Scholz đã tặng bà Merkel, nhà lãnh đạo thâm niên nhất của các nước thành viên Liên minh châu Âu, một cái cây để trang điểm cho khu vườn riêng.
Theo Reuters, một số vị trí trong chính phủ mới đã được thống nhất như sau: ông Olaf Scholz sẽ là Thủ tướng Đức. Bà Annalena Baerbock của Đảng Xanh sẽ là Ngoại trưởng. Ông Robert Habeck, bạn đời của bà Baerbock và đồng lãnh đạo của đảng Xanh sẽ nhận vị trí mới, gọi là Siêu bộ trưởng, kết hợp giữa Bộ Kinh tế và bộ Bảo vệ môi trường. Ông Christian Lindner, lãnh đạo đảng FDP sẽ là Bộ trưởng Tài chính.
Bà Angela Merkel tại cuộc họp nội các cuối cùng. Bà được ông Olaf Scholz - bộ trưởng Tài chính, người sẽ trở thành thủ tướng kế nhiệm bà - tặng hoa - Ảnh: REUTERS
Liên minh cho biết họ sẽ hiện đại hóa nền kinh tế bằng cách nâng cấp cơ sở hạ tầng và tăng cường các biện pháp bảo vệ khí hậu.
Chính phủ mới sẽ đối mặt với những thách thức ngay tức thì là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang rất xấu ở Đức cũng như châu Âu và khủng hoảng di dân tại biên giới Ba Lan - Belarus.
Các nguồn tin của Reuters cho biết các bên trong liên minh cam kết loại bỏ than vào năm 2030 và không phát điện từ khí đốt vào năm 2040.
Việc các bên đạt được thỏa thuận vào thời điểm này là một bất ngờ. Trước đó, có dự đoán đàm phán thành lập chính phủ tại Đức có thể kéo dài sang năm sau hoặc đổ bể.
Theo các nguồn tin, trở ngại chính trong các cuộc đàm phán là quan điểm khác biệt về cách tài trợ cho quá trình chuyển đổi hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online