Đức trở thành quốc gia EU đầu tiên thắt chặt quy định trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp nhằm "bảo tồn" doanh nghiệp trong nước sau một loạt các thương vụ thâu tóm của Trung Quốc.
Các quy định mới cho phép chính phủ Đức ngăn chặn việc thôn tính nếu có một nguy cơ dẫn đến việc các công nghệ quan trọng bị đưa ra khỏi đất nước. Những quy định này sẽ có hiệu lực trong thời gian ngắn mà không cần đến sự cho phép của quốc hội và bao gồm mọi thành phần, lĩnh vực kinh tế, kể cả lưới điện và hệ thống bệnh viện.
Phát biểu với hãng tin Reuters, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries hôm thứ Tư (6/7) cho biết: “Chúng tôi vẫn là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, nhưng chúng tôi cũng cần xem xét các điều kiện cạnh tranh công bằng”. Bà thêm vào rằng, Đức nợ các doanh nghiệp trong nước sự công bằng đó: “Họ luôn phải cạnh tranh với những quốc gia có nền kinh tế không cởi mở như chúng tôi”.
Động thái này của Đức phản ánh áp lực đang đè nặng lên châu Âu trong việc hạn chế các tập đoàn của Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn thôn tính những doanh nghiệp giá trị của khu vực.
Năm ngoái, công ty Midea của Trung Quốc đã mua lại nhà máy sản xuất robot Kuka của Đức.
Sự kiện này dấy lên lo ngại Trung Quốc đang có quá nhiều cơ chế tiếp cận các công nghệ then chốt thông qua việc sử dụng bình phong là mua bán sáp nhập các công ty của nước ngoài.
Công ty nhà nước ChemChina của Trung Quốc đã mua lại công ty hạt giống và thuốc trừ sâu nổi tiếng của Thụy Sỹ Syngenta với giá 43 tỷ USD. Đây là vụ mua lại doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc từ trước cho đến nay. Thương vụ mua bán này làm gia tăng áp lực buộc các nước châu Âu phải tìm cách kiềm chế các công ty nước ngoài thôn tính trong các lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược.
Theo Reuters, tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng Sáu, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hợp tác cùng Italia và Đức kêu gọi một cơ chế ở châu Âu ngăn chặn các vụ mua bán sáp nhập không mong muốn. Liên minh châu Âu đã khởi động cơ chế này trước hết thông qua việc 28 nhà lãnh đạo thành viên liên minh đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) phân tích kỹ lưỡng đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng, ngân hàng, công nghệ - những lĩnh vực Trung Quốc thèm khát các công nghê từ châu Âu.
Các chuyên gia và chính trị gia châu Âu đang tìm phương án theo hướng “có đi có lại” để đối phó với Trung Quốc, đất nước mà theo họ có vấn đề trong việc mở cửa thị trường mua bán doanh nghiệp.
Hernan Cristern, giám đốc toàn cầu mảng M&A của JPMorgan nhận định: “Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập khắp thế giới. Nhưng thứ duy nhất cần thay đổi là sự có đi có lại”.
Các nhà lãnh đạo phương Tây băn khoăn liệu Trung Quốc có sẵn lòng để nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước họ hay không. Trung Quốc vốn xưa nay vẫn luôn sử dụng chế độ chống độc quyền để làm nản lòng người mua đến từ phương Tây muốn thôn tính các doanh nghiệp Trung Quốc. Đất nước này cũng bị đánh giá là thiếu minh bạch và cơ cấu sở hữu phức tạp, tạo rào cản lớn cho việc mua bán sáp nhập.
Trong dài hạn, Liên minh châu Âu đã cho phép các nước thành viên ngăn cản sự thôn tính trong lĩnh vực an ninh quốc gia.
Đầu năm nay, Bộ Kinh tế Đức đã rút giấy phép mua công ty sản xuất chip Aixtron của Quỹ đầu tư Chip Phúc Kiến với lý do lo ngại an ninh.
Theo luật mới của Đức, tốt hơn hết các nhà điều hành của các công ty cơ sở hạ tầng cần được bảo vệ, tránh khỏi các nguồn đầu tư bên ngoài EU. Ngoài ra, chính phủ có thể sẽ yêu cầu gấp đôi thời gian xem xét các thương vụ mua bán, tương đương với thời gian 4 tháng.
Các quốc gia châu Âu khác như Anh và Hà Lan cũng đang lên kế hoạch cho phép chính phủ có thêm quyền can thiệp vào việc mua bán các cơ sở hạ tầng quan trọng. Đồng thời, họ cũng cho dừng đấu thầu một thời gian nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.
Chương trình nghị sự của Thủ tướng Anh Theresa May đã thắt chặt pháp luật về việc thôn tính doanh nghiệp và đảm bảo bất cứ tập đoàn nước ngoài nào mua bán doanh nghiệp cũng không làm ảnh hưởng đến an ninh hoặc các dịch vụ thiết yếu trong nước.
Tuy nhiên, bà May và các nhà lãnh đạo EU khác cần phải cân bằng tốt giữa chủ nghĩa bảo hộ và sự phát triển cần thiết của đầu tư nước ngoài trong việc duy trì nền kinh tế của họ.
Một số nước đã gặp phải mâu thuẫn này trong quá trình ngăn cản Trung Quốc. Italia bán hãng sản xuất lốp Pirelli cho Trung Quốc. Khi tìm kiếm phương án bảo vệ cho công ty trong nước, họ cố gắng buộc tội cướp tài sản cho phía mua lại. Tuy nhiên, trong quá trình buộc tội, họ đã bộc lộ ý định cuối cùng của mình, và những nỗ lực trước đó không đủ khả năng đóng cửa đối với thương mại Trung Quốc.
Mỹ từng làm tương tự như châu Âu, cố gắng ngăn cản đà thôn tính của Trung Quốc. Năm ngoái, Ủy ban đầu tư nước ngoài Mỹ đã ngăn cản hợp đồng mua lại bộ phận linh kiện chiếu sáng Lumileds của Philips có giá trị 2,8 tỷ USD cho Quỹ cấp vốn GO của Trung Quốc.
Gần đây, tốc độ đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đang chậm dần lại do cơ chế điều hành quỹ vốn mới và các thỏa thuận đang thực hiện ở Mỹ ngày càng trở nên khó khăn sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Minh Anh (Infonet lược dịch)