Tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems đứng đầu một nhóm đang phát triển mẫu tàu ngầm không người lái lớn nhất thế giới. (Nguồn: DPA)
Một nhóm thực hiện dự án của Đức do tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems đứng đầu đang phát triển mẫu tàu ngầm không người lái lớn nhất thế giới.
Một nguyên mẫu sẽ sớm được cho lặn thử để chứng minh hiệu suất và tính linh hoạt của phương tiện này.
Cách đây hơn 1 năm, giai đoạn thứ hai của dự án "Modifiable Underwater Mothership" (MUM, tạm dịch: Tàu mẹ dưới nước có thể thay đổi) do Bộ Kinh tế liên bang tài trợ đã được khởi động ở Kiel, miền Bắc nước Đức.
Thiết bị này hoạt động không người lái dưới nước, có cấu trúc môđun và có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau trong lĩnh vực dân sự để thám hiểm các đại dương trên thế giới.
Nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị triển khai 2 giai đoạn tiếp theo đối với mẫu tàu dài 25 mét để cho lặn thử nghiệm.
Theo trang Naval News, đây sẽ là tàu ngầm không người lái lớn nhất thế giới cho tới nay.
Cùng tham gia dự án trên với ThyssenKrupp Marine Systems còn có các công ty Atlas Elektronik và Evo Logistics, Đại học Rostock và Đại học Kỹ thuật (TU) Berlin.
Mục tiêu của dự án là tới đầu năm 2025 có thể đặt ra chuẩn mới cho các công việc dưới nước của thiết bị lặn không người lái.
Để đạt được các mục đích đề ra, tàu ngầm được thiết kế kiểu môđun, trong đó các môđun có thể kết nối trong thân tàu nhằm thực hiện các sứ mệnh khác nhau theo những điều kiện khác nhau. Các môđun này có kích thước tương đương các container 3-6m.
Tàu ngầm không người lái này khác biệt với các loại tương tự ở chỗ nó được thiết kế bao quanh các containter bên trong, chứ không phải dạng khít với các containter như một số tầu ngầm không người lái được chế tạo hiện nay.
Thân tàu được thiết kế dài và dẹt, với chiều rộng lớn hơn chiều cao, do đó khi nổi lên, độ ổn định của tàu sẽ tốt hơn. Do tàu có thể hoạt động dưới nước bất kể điều kiện thời tiết nên có thể vận hành quanh năm.
Tàu di chuyển nhờ 2 thiết bị đẩy được thiết kế đối diện nhau ở phần đuôi tàu, đó là động cơ sử dụng pin nhiên liệu, giúp tàu không chỉ hoạt động độc lập trong thời gian dài mà cũng rất thân thiện với môi trường, nhất là ở những vùng nước nhạy cảm về mặt sinh thái.
Động cơ có công suất 80kW và được hỗ trợ tải cực đại với một môđun pin Lithium-Ion.
Theo kế hoạch, từ giữa năm 2024, tàu sẽ thực hiện các hoạt động mang tính ứng dụng. Khu vực triển khai dự kiến là vùng lắp đặt hệ thống điện gió ngoài khơi, khai thác và nghiên cứu dưới biển sâu.
Tàu có thể nhận các nhiệm vụ vận chuyển, thám hiểm các mỏ dầu khí, khoan lấy mẫu lõi ở đáy biển hoặc triển khai các thiết bị thăm dò.
Ngoài ra, trong tương lai, tàu cũng có thể thực hiện việc giám sát và kiểm tra cáp ngầm dưới biển. Mặc dù đây là dự án dân sự, song giới quân sự cũng đang rất quan tâm tới dự án này./.
Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)