Nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn chưa thoát khỏi bóng tối của sự bất ổn khi những cuộc đình công của người lao động trải khắp các lĩnh vực và có nguy cơ gây 'tê liệt' nền kinh tế.

1 Duc Dinh Cong Lan Rong Nhieu Mat Tran Thiet Hai Toi 100 Trieu Eurngay

Hệ thống giao thông của Đức gặp nhiều bất ổn do người lao động liên tục đình công.

Đình công liên tục trên nhiều lĩnh vực

Tuần này, người dân Đức sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc di chuyển, vì các tài xế tàu hỏa thông báo hôm Chủ nhật (10/3) về lệnh dừng mới kéo dài 24 giờ, ngay sau thông báo đình công của phi hành đoàn Lufthansa.

Theo đó, Liên đoàn tài xế tàu GDL cho biết cuộc đình công mới nhất ảnh hưởng đến dịch vụ hành khách và vận chuyển hàng hóa sẽ bắt đầu diễn ra từ 12-14/3, do liên đoàn chưa đàm phán được với nhà điều hành đường sắt Deutsche Bahn về việc giảm số giờ làm việc.

Cuộc đình công sẽ là lần thứ 6 của Liên đoàn kể từ tháng 11 và diễn ra chưa đầy một tuần sau khi các tài xế tàu dừng hoạt động kéo dài 35 giờ, gây ra tình trạng đi lại khó khăn cho hàng nghìn hành khách đường sắt.

Không chỉ các tài xế tàu GDL, mà phi hành đoàn của hãng hàng không Lufthansa cũng chuẩn bị đình công tại sân bay Frankfurt vào ngày 12/3 và tại sân bay Munich vào ngày 13/3, do các nhân viên mặt đất yêu cầu tăng lương.

Hãng hàng không lớn nhất của Đức đã cảnh báo rằng các cuộc đình công đang diễn ra của hàng nghìn nhân viên mặt đất và công nhân sân bay có thể ảnh hưởng đến thu nhập của họ trong quý này, sau khi các cuộc đình công hồi đầu năm nay đã khiến công ty thiệt hại hơn 100 triệu USD.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều những cuộc đình công đã diễn ra tại Đức từ năm ngoái và ngày càng mở rộng hơn từ đầu năm tới nay gây ảnh hưởng tới hệ thống giao thông công cộng, du lịch và hoạt động công nghiệp, làm tăng thêm những rủi ro kinh tế cho đất nước đang có nguy cơ suy thoái.

Hệ quả của thiếu nhân công và lạm phát cao

Tranh chấp giữa các thành viên công đoàn và các công ty vận tải đã diễn ra trong nhiều tháng ở Đức, khi tình trạng lạm phát cao và thiếu nhân công khiến người lao động phải làm việc nhiều hơn mà không được tăng lương.

Cùng với việc yêu cầu tăng lương, công đoàn GDL đã kêu gọi giảm giờ làm việc từ 38 xuống 35 giờ mỗi tuần mà không cắt giảm lương, điều mà nhà điều hành tàu Deutsche Bahn đã từ chối.

Công đoàn Ver.di đang tìm cách tăng lương 12,5%, hoặc ít nhất thêm 500 EUR/tháng, trong các cuộc đàm phán với gần 25.000 nhân viên mặt đất của Lufthansa bao gồm nhân viên kiểm tra, xử lý máy bay, bảo trì và vận chuyển hàng hóa.

Trưởng đoàn đàm phán của Ver.di, ông Marvin Reschinsky, cho biết các cuộc đình công diễn ra vào thời điểm các công nhân mặt đất hầu như không kiếm được mức lương tối thiểu, nhưng Lufthansa của Đức lại có tỷ suất lợi nhuận cao.

Thiệt hại kinh tế tới 100 triệu EUR/ngày

Ngành công nghiệp đã cảnh báo về "chi phí" của những cuộc đình công, sau khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu suy giảm 0,3% vào năm 2023 và chính phủ cảnh báo về sự phục hồi yếu hơn dự kiến.

Truyền thông Đức cho rằng các cuộc đình công trong ngành hàng không và đường sắt của Đức có thể kéo nền kinh tế nói chung đi xuống.

Số liệu chính thức cho thấy trong tháng 1 năm nay, số đơn đặt hàng công nghiệp mới trong nước ở Đức giảm 11,2% so với tháng trước; số đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm 11,4% so với tháng trước, trong đó số đơn đặt hàng mới từ khu vực đồng EUR giảm 25,7%.

Ông Michael Groemling, người đứng đầu bộ phận kinh tế tại IW Koeln cho biết một cuộc đình công đường sắt trên toàn quốc kéo dài một ngày sẽ gây thiệt hại khoảng 100 triệu EUR (107 triệu USD) sản lượng kinh tế.

Bên cạnh đó, viện kinh tế DIW Berlin cảnh báo rằng nền kinh tế Đức sẽ không tăng trưởng nhanh như mong đợi, dự báo sẽ có một cuộc suy thoái vào đầu năm nay.

Theo DIW, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức dự kiến sẽ giảm 0,1% trong quý I, sau khi nền kinh tế suy giảm 0,3% trong ba tháng cuối năm 2023, đồng nghĩa với việc Berlin sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật.

Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cũng đưa ra cảnh báo tương tự trong bối cảnh đất nước bị "bao trùm" trong các cuộc đình công làm giảm năng suất kinh tế.

Ngân hàng trung ương Đức nhấn mạnh rằng họ tin rằng cuộc suy thoái tiềm tàng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng Bundesbank cảnh báo về áp lực tiềm tàng đối với thị trường xuất khẩu quan trọng của Đức, cho biết nhu cầu đối với hàng hóa do Đức sản xuất dường như đang “giảm đáng kể”.

Minh Ý

Theo DW, Reuters, Sina




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC