Theo Hiệp hội công nghiệp BDI của Đức, nước này sẽ phải chi hơn 1.000 tỷ euro (1.200 tỷ USD) để đạt ngưỡng dưới của mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 vào năm 2050 của Liên minh châu Âu (EU).
Hồi năm 2011, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố lộ trình xây dựng một nền kinh tế có lượng khí thải carbon thấp vào năm 2050, trong đó đề xuất đến năm 2050 sẽ cắt giảm tới 80-95% lượng khí thải so với mức của năm 1990.
Hãng Reuters dẫn dự thảo này cho hay việc đạt mục tiêu giảm 80% lượng khí thải vào năm 2050 là có tính khả thi về mặt kỹ thuật, song nó làm dấy lên câu hỏi về chi phí của Đức để đạt mục tiêu giảm 95% lượng khí thải.
Điều này có thể đòi hỏi một con số khổng lồ, trong khi mức chi bổ sung chưa được xác định.
Bản dự thảo nghiên cứu này, do Boston Consulting và Prognos chuẩn bị trong nhiều tháng, khuyến nghị các mục tiêu của EU cần được thực hiện trên quy mô toàn cầu để bảo đảm sức cạnh tranh của ngành công nghiệp Đức.
Trước yêu cầu của Nghị viện châu Âu (EP) về việc tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, chính phủ các nước EU đã thông qua mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2030.
Theo đó, EU đặt mục tiêu nâng mức sử dụng năng lượng tái tạo tại tất cả quốc gia thành viên lên ít nhất 27% vào năm 2030, tăng 7% so với mục tiêu của năm 2020.
Nguồn: Minh Hằng
Reuters/ Bnews